Dù luôn được xem là một trong những nghề cao quý nhất, các giáo viên lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bên cạnh khối lượng công việc lớn, mức lương thấp, họ còn chịu rất nhiều áp lực từ học sinh và phụ huynh.
Dù luôn được xem là một trong những nghề cao quý nhất, các giáo viên lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bên cạnh khối lượng công việc lớn, mức lương thấp, họ còn chịu rất nhiều áp lực từ học sinh và phụ huynh.
Ảnh minh họa: Một tiết học tại Trường THPT Cẩm Mỹ, H.Cẩm Mỹ |
Ngày 22-3, trên mạng xã hội đã lan truyền đoạn clip cô giáo H. L. của Trường THPT Đội Cấn (H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cắt tóc một học sinh nữ ngay trong lớp học vì nhuộm tóc vi phạm quy định của nhà trường.
Vụ việc đã được xử lý và kết thúc khi cô trò cùng ôm nhau nói lời xin lỗi, tuy nhiên, vẫn để lại nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Với nhiều người, đây là bài học cho cả giáo viên và học sinh. Dù nữ sinh trong clip làm sai quy định nhưng cô L. cũng đã hành động không đúng mực và chưa thấu đáo.
Xét về tình, việc làm của nữ sinh là hành động bồng bột thường thấy của tuổi mới lớn. Còn cô L. cũng chỉ mong học sinh của mình tốt hơn. Tuy nhiên, vụ việc được quay clip và tung lên mạng đã góp phần làm tăng tính nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề về tâm lý cho người trong cuộc.
Tháng 4-2022, tại trường THCS N.T.N (H.Định Quán) cũng xảy ra vụ việc 2 giáo viên “thả” sách vở của học sinh xuống đất và tát học sinh. Đúng – sai sau đó được làm rõ, 2 giáo viên bị kỷ luật, song việc học sinh quay clip và tung lên mạng xã hội, đẩy sự việc trở lên to lớn và ồn ào đã gây không ít áp lực lên đội ngũ giáo viên trong ứng xử, tiếp xúc, dạy dỗ hàng chục học sinh mỗi ngày.
Thời gian qua, cũng đã có nhiều trường hợp giáo viên to tiếng, phạt học sinh và bị quay clip đưa lên mạng. Các vụ việc này cũng phần nào cho thấy áp lực mà các giáo viên đang phải đối mặt khi có thể bị ghi âm, quay clip bất cứ lúc nào và quy vào hành vi bạo lực.
Theo quy định hiện nay, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức gồm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với phụ huynh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, theo những quy định hiện hành, việc đánh mắng, phạt quỳ gối, phạt làm vệ sinh hay đuổi ra khỏi lớp... đối với một học sinh vi phạm, giáo viên đều không được sử dụng.
Trong khi đó, ngày nay với sự phát triển của công nghệ, hầu hết học sinh đều đã được trang bị điện thoại thông minh và được phép sử dụng để phục vụ học tập. Do đó, mỗi hành động của mình, các giáo viên đều phải hết sức thận trọng vì ranh giới giữa kỷ luật và bạo lực là rất mong manh.
Bên cạnh đó, đã có trường hợp học sinh ỷ lại vào điều này để thách thức giáo viên của mình. Điều này vô hình tạo ra rất nhiều áp lực, thậm chí là nỗi sợ cho các thầy cô.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng, việc thông tin quá nhiều trên mạng xã hội, trong khi quá trình tiếp nhận thiếu chọn lọc đã góp phần tạo ra thực trạng này. Tất cả thầy, cô đều chỉ mong dạy dỗ một cách tốt nhất, chứ không ai muốn la lắng, trách phạt học sinh của mình.
Không chỉ học sinh quay clip, các thầy cô còn đối mặt với một “nỗi sợ” còn lớn hơn, đó là áp lực từ phụ huynh.
“Khi dạy dỗ cả hơn 40 học sinh, giáo viên nhiều lúc bị stress, dẫn đến nổi giận và la mắng học sinh, như thầy cô mình ngày xưa. Tuy nhiên bây giờ do mạng xã hội, vấn đề này lại bị làm quá lên” - thầy H.P., giáo viên một trường THPT tại TP.Biên Hoà chia sẻ. |
Ngày nay, phần lớn các gia đình đều chỉ có 1-2 con nên một số bậc cha mẹ có xu hướng nuông chiều con thái quá. Do đó, mỗi khi giáo viên trách phạt học sinh, đều có thể phải nhận phản ứng từ các phụ huynh.
Cô L.A., một giáo viên cấp 2 từng bị phụ huynh đến trường chỉ trích sau khi một học sinh xem đánh nhau và… bị bạn đánh trúng. Cô đã báo cáo vụ việc với Ban giám hiệu và xử lý ổn thỏa với các học sinh trong vụ việc, nhưng cuối cùng vẫn phải xin lỗi phụ huynh.
“Mình xử lý mạnh tay thì phụ huynh nói là thầy cô “đì”, ép, làm khó học sinh. Không xử lý mạnh tay thì bảo là giáo viên vô trách nhiệm” - cô A. bức xúc.
Ảnh minh họa: Học sinh ngày càng tiếp cận nhiều thiết bị công nghệ cao |
Các việc làm tương tự của các bậc cha mẹ cũng vô tình tiếp tay cho con em mình. Một số học sinh cho rằng, giáo viên không dám xử lý nên càng nghịch ngợm và có thái độ thách thức.
“Giáo viên nhiều khi cảm thấy rất áp lực, không phải với học sinh mà là với phụ huynh. Làm gì cũng phải quan sát, để ý phụ huynh” - cô T.N., một giáo viên tiểu học ở TP.Biên Hòa chia sẻ.
Điều này cũng có thể tạo ra tâm lý “buông xuôi”, các thầy cô chỉ dạy cho xong trách nhiệm của mình. Còn nếu muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các giáo viên phải có quyết tâm, nỗ lực rất lớn và cần khéo léo, đúng mực trong mọi tình huống.
Trước vấn đề này, thầy Nguyễn Thế Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa cho rằng: “Giáo viên cần có sự đồng cảm với từng trường hợp học sinh, hiểu rõ về tâm tư, tình cảm của các em hơn. Từ đó, tìm ra giải pháp tốt để hài hòa giữa thuận lợi và khó khăn”.
Khó khăn, áp lực là thế, nhưng lương giáo viên vẫn đang ở mức không đủ sống sau rất nhiều lần cải cách.
Hiện nay, một giáo viên mới tốt nghiệp về làm việc tại một trường công lập chỉ có hệ số lương 2,34, tương đương 3,5 triệu đồng 1 tháng. Đây là thu nhập rất thấp so với mức sống hiện nay. Cô T.N. cho biết mỗi ngày đều phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đến nay, cô hiện có mức thu nhập là khoảng 6 triệu đồng sau 9 năm làm nghề.
“Mức lương này không thể đủ cho chi phí sinh hoạt gia đình, con cái, thậm chí là không đủ cho nhu cầu của bản thân” - cô N. cho biết.
Trong khi đó, thầy H.P. đã có 4 năm công tác và hiện có mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, con số không đủ để người giáo viên trẻ yên tâm công tác.
“Độc thân thì còn ổn, nhưng nếu có gia đình, đời sống sẽ khó khăn hơn và có nhiều vấn đề cần cân đối. Do đó, nhiều người sẽ tìm các hướng khác” - thầy P. bộc bạch.
Nhiều người cho rằng, giáo viên có thể có thêm thu nhập bằng cách dạy thêm, tuy nhiên trên thực tế, hiện nay ngành Giáo dục đã không còn cho phép hoạt động này.
Ảnh minh họa: Các cô giáo cùng học trò tại Trường mầm non Tam Hòa, TP.Biên Hòa |
Lương của giáo viên mầm non thậm chí còn thấp hơn các cấp học khác. Cụ thể, hệ số lương của giáo viên mầm non bắt đầu từ 2,1, tức chỉ hơn 3,1 triệu đồng/tháng. Tuy áp lực của giáo viên mầm non là khác với các cấp học khác nhưng khối lượng công việc cũng rất lớn và chiếm nhiều thời gian.
“Nói việc quá nhiều là không đúng. Nhưng áp lực đến từ lương và chế độ chính sách dành cho giáo viên mầm con còn thấp, thời gian làm việc nhiều” - bà Ngô Thị Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết.
Từ thực trạng đó, các trường công lập cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân giáo viên.
Cô Phạm Thị Hải Anh cho biết, đã nhiều lần phải động viên, thuyết phục những trường hợp giáo viên muốn nghỉ việc.
“Kinh phí thì cố định, dạy thêm thì không được. Nhà trường không hỗ trợ được gì, chỉ động viên tinh thần, đồng thời có thêm một số hỗ trợ về phúc lợi trong khuôn khổ cho giáo viên” - cô Hải Anh tâm sự.
Bên cạnh đó, các trường cũng cố gắng xếp lịch làm việc gọn gàng và thuận tiện cho các giáo viên. Tuy nhiên, như vậy vẫn không đủ để giáo viên yên tâm làm việc, và nhiều người vẫn canh cánh câu hỏi “Còn giữ nghề được đến bao giờ?”
Trong khi đó, các trường cũng chỉ đạo giáo viên cần xử lý khéo léo trong những trường hợp như thế. Cô Phạm Thị Hải Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết: “Thầy cô đang bị bủa vây bởi mạng xã hội. Thực sự rất lo lắng cho anh chị em giáo viên và thường xuyên mỗi cuộc họp đều phải nhắc nhở anh chị em phải ứng xử đúng mực và bình tĩnh trước mọi tình huống. Trường hợp nào cảm thấy không giải quyết được thì báo cho Hiệu trưởng”. |
Bích Nhàn - Vi Lâm - Đắc Nhân
Bài 4: Tiền có phải là giải pháp “giữ người”?