(ĐN)- Ngày 18-3, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội nghị cấp cao về định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn tại Việt Nam.
(ĐN)- Ngày 18-3, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội nghị cấp cao về định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn tại Việt Nam.
WWF Việt Nam và Bộ NN-PTNT đã ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn 2042. Ảnh: Phước Bình |
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, Tổng giám đốc toàn cầu của WWF Kirsten Schuijt, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các khu bảo tồn, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam có hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, phân bố khắp cả nước (riêng 34 vườn quốc gia chiếm diện tích gần 1,3 triệu ha).
Rừng đặc dụng ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú gồm: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới trên núi có độ cao thấp và trung bình; hệ sinh thái hỗn hợp, hệ sinh thái rừng ngập mặn…
Hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam hiện lưu giữ đa dạng các loài quý hiếm với 186 loài động vật và 71 loài thực vật quý hiếm. Hiện Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 9 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN, 9 khu RAMSAR…
Tại hội nghị, các ý kiến tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa để đầu tư phát triển bền vững rừng đặc dụng; các sáng kiến, kinh nghiệm huy động tài chính quốc tế, xã hội hóa cho công tác bảo tồn; huy động nguồn lực đầu tư cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, nâng cao đời sống của cán bộ làm nghề rừng; ý tưởng phát triển các nguồn thu dịch vụ, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sức ép rất lớn với hơn 25 triệu người đang sinh sống gần các khu rừng đặc dụng và khoảng 20% sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng và các lâm sản ngoài gỗ.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước thiếu hợp lý; khai thác, tiêu thụ quá mức đa dạng sinh học; tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã… là những nguyên nhân khiến khoảng 700 loài động thực vật hiện đang bị đe dọa cấp quốc gia, trong đó có 300 loài bị đe dọa trên toàn cầu.
Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường với bất kỳ giá nào. Ảnh minh họa: Phước Bình |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là đối với hệ sinh thái rừng tự nhiên. Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường với bất kỳ giá nào nhằm giữ bằng được các hệ sinh thái rừng hiện có, nâng cao khả năng phục hồi rừng tự nhiên, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ hội nghị, WWF Việt Nam và Bộ NN-PTNT đã ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn 2042 nhằm thực hiện Biên bản ghi nhớ về phát triển nông nghiệp và hợp tác “Một sức khỏe” về phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã ký tháng 2-2022.
Xuân Lượng - Phước Bình