(ĐN)- Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Đồng Nai vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn.
(ĐN)- Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Đồng Nai vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn.
Người dân cần được tiêm ngừa dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại. Trong ảnh: tiêm vaccine ngừa dại tại Trung tâm y tế Long Thành. Ảnh: H.Yến |
Bệnh nhân tên N.T.Y, là nữ, sinh năm 1974, ngụ tại KP.11A, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa. Theo thông tin điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn khoảng hơn 4 tháng trước. Vết cắn ở vị trí trên môi và dưới cánh mũi bên phải, tình trạng vết cắn nông/chảy máu ít, không đau.
Sau khi bị chó cắn, bà Y. có thực hiện rửa vết thương bằng nước muối sinh lý nhưng sau đó vì bận đi làm và chủ quan nên đã không đi đến cơ sở y tế khám và điều trị, cũng như không tiêm vaccine dại/huyết thanh kháng dại. Tối 12-12, bệnh nhân có các biểu hiện sợ nước, sợ gió, hốt hoảng; đến ngày 13-12 bà được người thân đưa nhập viện vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và được chẩn đoán là nghi dại. Bà Y. tử vong sáng 15-12.
Điều tra dịch tễ cũng cho thấy, trước đây bà Y. có nuôi nhiều chó, từng bị chó cắn thời gian dài nên người nhà không nhớ rõ. Chó lúc cắn không có triệu chứng nghi dại và không rõ tiền sử tiêm chủng dại. Sau khi cắn bà Y. con chó mất tích nên không theo dõi được.
Ngoài ra, khu vực bà Y. sinh sống có nhiều nhà nuôi chó, trong đó có 1 trang trại nuôi 30 con; lịch sử bị chó cắn của người dân khu vực này chưa rõ, nên chưa nhận định được hết tình hình. Không loại trừ đã có nhiều người bị cắn và có khả năng đã bị nhiễm nhưng chưa có biểu hiện bệnh dại.
Trung tâm y tế TP.Biên Hòa đã tiến hành phun hóa chất khử trùng tại nhà bệnh nhân và khu vực bệnh nhân này sinh sống, đồng thời tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh dại, người dân có nuôi chó, mèo cần phải tiêm vaccine ngừa dại cho vật nuôi; cần rọ mõm và không thả rong chó, mèo để đề phòng bị chó, mèo cắn. Khi bị chó, mèo cắn thì cần phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và tiêm vaccine ngừa dại; đồng thời theo dõi và tiến hành cách ly tất cả các con vật mắc bệnh, nghi nhiễm dại.
H.Yến