(ĐN) - Ngày 8-12, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, khoá XI đã diễn ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
(ĐN) - Ngày 8-12, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, khóa XI đã diễn ra. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành |
Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và cho ý kiến vào chương trình công tác năm 2023.
* Tăng trưởng GRDP Đồng Nai cao nhất vùng Đông Nam bộ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, năm 2022 tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là, GRDP tăng trưởng 9,22% - cao nhất so với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Thu ngân sách nhà nước đạt 114% so với dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 109.045 tỷ đồng, tăng 12,78% so cùng kỳ... Các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai hiệu quả, công tác an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững. Công tác xây dựng đảng, dân vận đạt kết quả tốt.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn thách thức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, do đó từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai sâu sát, chặt chẽ các nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu phát sinh do Trung ương, Chính phủ chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng, khả thi, có tầm nhìn dài hạn và hài hòa trong không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng, phát huy tối đa lợi thế so sánh của tỉnh và từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời, quản lý tốt quy hoạch đã được phê duyệt, không được phá vỡ quy hoạch trong quá trình triển khai, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển theo chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Nâng cao tính sẵn sàng và chuẩn mực về pháp lý trong đón tiếp, thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khi thu hút đầu tư phải có chọn lọc, đảm bảo minh bạch, khách quan, chọn nhà đầu tư tốt nhất, có ý tưởng tốt nhất, vì sự phát triển của tỉnh Đồng Nai.
* Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, thị trường thế giới, trong nước để kịp thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Bố trí phù hợp nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Chú ý các dự án thoát nước, xử lý ngập úng tại các đô thị, mở rộng thêm không gian xanh, không gian cho bãi đậu xe, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, thương mại ngăn nắp, sạch sẽ, thông thoáng phục vụ nhân dân. Quan tâm thực hiện đầu tư dự án, công trình nhà ở xã hội phục vụ cho người lao động thu nhập thấp.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành |
Tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Rà soát thúc đẩy các dự án chậm triển khai, quá hạn và thu hồi dự án không triển khai theo quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản không phép, trái phép. Đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước.
Tập trung triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung, xem đây là tiêu chí quan trọng trong xem xét xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
* Đảm bảo an sinh xã hội
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, toàn tỉnh phải chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân, người lao động các khu công nghiệp và thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh gắn với tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gắn với đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa, nâng cao chất lượng nhà ở, khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê. Trước mắt, mở đợt an sinh xã hội, tập trung mọi nguồn lực chăm lo Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân, lao động khó khăn mất việc làm.
Toàn cảnh hội nghỉ. Ảnh: Ngọc Thành |
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm cho ngành Y tế. Ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với tình trạng nợ đọng, trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội.
Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết về chuyển đổi số; có giải pháp thay đổi nhận thức, quyết tâm, hành động của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu và toàn thể người dân về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, điều hành xã hội và các lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan khối nội chính cần phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề nổi cộm liên quan đến an ninh, trật tự. Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, gây bức xúc dư luận. Nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết vụ việc, vụ án và công tác thi hành án.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm, dự báo tình hình và chủ động giải quyết tốt các vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự. Hoàn thành chỉ tiêu công tác tuyển quân năm 2023 ở cả 3 cấp, đảm bảo chặt chẽ, đủ số lượng, đạt chất lượng cao.
* Tăng cường công tác giám sát trong Đảng để ngăn ngừa vi phạm
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng trên các mặt công tác. Trong đó chú ý công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ đảng viên đối với công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
Triển khai các giải pháp để bảo vệ đội ngũ cán bộ sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh, quốc gia.
Quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng, nhất là tập trung nâng cao số lượng, chất lượng và cơ cấu công tác phát triển đảng viên mới theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.
Tăng cường công tác giám sát trong Đảng để ngăn ngừa vi phạm. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, hướng các hoạt động về cơ sở, sát địa bàn, phù hợp với từng đối tượng. Chỉ đạo kịp thời triển khai thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở ở các loại hình theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền.
Phương Hằng