Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 5-11, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 4. Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
* 2 đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 5-11, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 4. Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 2 đại biểu tham gia chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
* Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng Chính phủ những kinh nghiệm rút ra từ đại dịch Covid-19 trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực, diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch Covid-19, cũng như khó khăn sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô là luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và khả năng là dịch chồng dịch.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ?
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, qua 2 năm chống dịch chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết, song Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bài học kinh nghiệm.
Về sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là: xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch: 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều cộng nữa để có dư địa, không gian sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Thủ tướng Chính phủ cho biết trên thực tế đã làm đúng tinh thần. Trong giai đoạn 1, khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virus, đã buộc chúng ta phải dùng biện pháp hành chính.
Sau khi nhấn thấy biện pháp hành chính rất khó thành công, chúng ta đã thúc đẩy vaccine. Theo đó, đã xây dựng chiến lược vaccine cùng với là ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: thời gian tới, cần tiếp tục là phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, có thể thấy rõ nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất là quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ta khi gặp khó khăn đã biến nguy thành cơ. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu.
* Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng Chính phủ giải pháp để giảm chênh lệch giàu nghèo
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tại Phiên chất vấn, đại biểu Bùi Xuân Thống khẳng định, các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; chi phí cho giáo dục, y tế là một gánh nặng với người nghèo và nhất là công nhân tại các khu công nghiệp.
Trước thực trạng này, đại biểu Bùi Xuân Thống đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?
Trả lời chất vấn về an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau… Đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có đóng góp lớn của ĐBQH. Thời gian sắp tới, cần xem xét những vấn đề bất cập như: xây dựng căn hộ cho người có thu nhập thấp, tăng lương, phụ cấp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công.
* Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Cùng với các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, đã có các thành viên Chính phủ, trưởng ngành tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến các vấn đề chất vấn của các ĐBQH.
Quang cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 345 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, có 22 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các ĐBQH đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vào chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần trách nhiệm cao đã trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp vào vấn đề được chất vấn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu đồng thời nghiêm túc thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đưa ra được các giải pháp cho trước mắt và lâu dài.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn của các vị ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ và kết luận của từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Lâm Viên (tổng hợp)