Báo Đồng Nai điện tử
En

Xét xử đại án buôn lậu xăng: Mua 2 tàu chở dầu ăn để buôn lậu xăng về Việt Nam

11:10, 28/10/2022

Sáng 28-10, phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng dầu bước sang ngày làm việc thứ 4, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

Sáng 28-10, phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng dầu bước sang ngày làm việc thứ 4, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn trình bày lời khai tại phiên tòa. Ảnh: T.Danh
Bị cáo Đào Ngọc Viễn trình bày lời khai tại phiên tòa. Ảnh: T.Danh

Trong phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Thành, Chánh tòa hình sự TAND tỉnh cùng đại diện VKSND tỉnh và các luật sư tiến hành chất vấn bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Phan Thanh Hữu (55 tuổi, quê tỉnh Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) là những đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu xăng dầu để làm rõ hành vi mà cáo trạng đã nêu.

* Treo cờ nước ngoài vì tàu hết hạn lưu hành ở Việt Nam

Về mối quan hệ giữa Viễn với Hữu và Thoại (nguyên đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh cảnh sát biển), Phạm Hùng Cường (chưa rõ lai lịch), theo Viễn, do làm nghề kinh doanh vận tải nên có quen biết và qua lại với Thoại để dễ làm ăn.

Đối với nguồn gốc 2 chiếc tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea, được Viễn mua tại Hàn Quốc và Hà Lan để làm phương tiện vận chuyển chở dầu ăn.

Khi tòa hỏi tại sao bị cáo lại treo cờ quốc tịch nước ngoài mà không treo cờ Việt Nam thì Viễn cho biết, do 2 tàu của Viễn mua đã quá 15 tuổi nên phải treo cờ quốc tịch Panama để được lưu hành trong khu vực biển Việt Nam.

Khi kết nối được với Hữu để buôn lậu xăng về Việt Nam, Viễn đã điều các tàu này sang Singapore để vận chuyện xăng. Quá trình vận chuyển xăng, thuyền trưởng các tàu của Viễn chủ động liên hệ với Hữu để lên lịch vận chuyển xăng. Trong quá trình vận chuyển làm các thủ tục vận chuyển xăng về Việt Nam, Viễn đều được chủ đại lý tại Singapore thông báo cụ thể của các tàu này.

* Xác định số tiền thu lợi bất chính của Đào Ngọc Viễn

Về phần chia lợi nhuận trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam để tiêu thụ, Viễn cho biết, trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam, bị cáo góp 30% cổ phần vào 2  tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea thì được chia lợi nhuận 30 tỷ đồng và số tiền này được Hữu giao trực tiếp.

Tổng cộng 2 tàu của bị cáo Viễn đã vận chuyển được 44 chuyến. Viễn lấy phí từ 1,6 đến hơn 2 tỷ đồng/chuyến.

Tại tòa bị cáo Viễn cho rằng, quá trình vận chuyển xăng từ nước ngoài về bán không nghĩ là vi phạm pháp luật (vì chỉ làm công tác vận chuyển). Tuy nhiên, khi bị bắt và được cơ quan điều tra giải thích thì Viễn biết rằng, hành vi đó là vi phạm pháp luật.

Về phần lợi nhuận thu được bị cáo Viễn cho rằng mình chỉ được hưởng lợi trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam bị cáo chỉ được chiết khấu 1.500 đồng/lít xăng và tổng số tiền thu lợi là hơn 36 tỷ đồng chứ không phải là 46 tỷ đồng như kết luận của cơ quan điều tra.

Để chứng minh cho số tiền thu lợi, Viễn cho biết, trong quá trình làm ăn giữa bị cáo và Hữu có mâu thuẫn trong việc chia lợi nhuận. Tuy nhiên, việc gặp gỡ để thương lượng giữa các bị cáo chỉ được một vài lần nên chưa giải quyết được khúc mắc này.

* Sẽ tiếp tục làm rõ phần thu lợi trong quá trình tranh luận

Tại tòa đại diện VKS hỏi bị cáo ai là người chỉ đạo 2 con tàu, thì Viễn cho rằng, Hữu là người thành thạo và là chủ hàng nên trực tiếp chỉ đạo. Cũng Viễn, việc vận chuyển xăng đều giao cho 2 thuyền trưởng 2 tàu điều hành.

Đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, tại tòa Viễn có lời khai mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra nên đề nghị HĐXX cho công bố các bút lục liên quan.

Được tòa chấp nhận, đại diện VKS đã cống bố bút lục xác định, bị cáo  Viễn khai lợi nhuận thu được trong quá trình vận chuyển xăng là hơn 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, số lượng xăng nhập về Việt Nam của bị cáo Viễn chưa tiêu thụ hết nên xác định lại số tiền thu lợi của bị cáo Viễn là hơn 46 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Viễn cho rằng, số tiền thu lợi được nhận từ Hữu không đến con số như vậy và mong HĐXX xem xét.

* 2 chiếc tàu được thế chấp ngân hàng

Đối với 2 chiếc tàu của bị cáo Viễn bị thu giữ trong vụ án hiện đang thế chấp cho ngân hàng. Tại phiên tòa, cho mời phía ngân hàng để đối chất vấn đề này.

Đại diện Ngân hàng Liên Việt Postbank cho biết, Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (do Viễn làm giám đốc) có thế chấp ngân hàng để vay của Ngân hàng Liên Việt. Việc lập hợp đồng vay mượn và thế chấp đều được thực hiện theo đúng quy định.

Phía ngân hàng cũng cho biết, ngân hàng không biết việc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng vi phạm pháp luật. Tuy nhiên HĐXX cho rằng, khi cho vay thì ngân hàng phải biết được phương án trả nợ. Khi cơ quan điều tra kê biên, ngân hàng giao lại tài sản thế chấp này để phục vụ công tác điều tra.

Phía Ngân hàng Liên Việt giữ nguyên quan điểm, cơ quan điều tra giao 2 con tàu này hoặc kê biên phát mãi để trả nợ cho ngân hàng. Phần còn dư sẽ trả lại cho cơ quan điều tra để bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ án.

Đại diện Ngân hàng Liên Việt mong muốn HĐXX xem xét để trả lại tài sản cho ngân hàng. Đến thời điểm này số nợ mà Công ty Đại Dương Hải Phòng hơn 34 tỷ đồng (cả gốc và lãi). Ngân hàng xác định 2 con tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea hiện đang được định giá khoảng 40 tỷ đồng.


Trần Danh

Tin xem nhiều