Ngày 31-10, ngày thứ 5 của phiên tòa xét xử đại án xăng dầu, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và quyết định cách ly một số bị cáo để tiến hành xét hỏi từng bị cáo nhằm làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án.
Ngày 31-10, ngày thứ 5 của phiên tòa xét xử đại án xăng dầu, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và quyết định cách ly một số bị cáo để tiến hành xét hỏi từng bị cáo nhằm làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án.
Bị cáo Phan Thanh Hữu trong phiên xét xử sáng 31-10 |
Trong phiên tòa sáng nay, chủ yếu các luật sư hỏi bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) và Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về quá trình buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
* Cho cách ly 13 bị cáo để xét hỏi
Trước khi vào phòng xét xử, theo lời đề nghị của luật sư bào chữa, HĐXX đã cho cách ly 13 bị cáo khác liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Hữu và Viễn.
Trong quá trình xét hỏi, Viễn với danh nghĩa giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng đã vay ngân hàng để mua 2 tàu (Western Sea và Pacific Ocean) chở xăng từ Singapore về Việt Nam. Trên giấy tờ, nhằm che giấu hành vi phạm tội, bị cáo Viễn đã cho em họ là Nguyễn Minh Khoa (52 tuổi, ngụ Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) thuê lại tàu để cho người Trung Quốc thuê vận chuyển hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, Viễn và Khoa đã cho Hữu thuê lại với giá từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/tháng) để buôn lậu xăng. Theo Viễn khai, quá trình giao, nhận xăng đều do Hữu chỉ đạo thuyền trưởng các tàu thực hiện để đem xăng vào Việt Nam.
Cũng theo bị cáo Viễn, quá trình mua 2 tàu trên, Viễn có bỏ một số vốn nhỏ và có vay một số ngân hàng. Khi vay của ngân hàng bắt buộc phải thế chấp tàu. Do đó, bị cáo Viễn mong HĐXX trả lại thuyền cho phía ngân hàng.
Bị cáo Đào Ngọc Viễn trong phiên xét xử sáng 31-10 |
Cũng theo bị cáo Viễn, trước khi Hữu rủ Viễn cùng góp vốn thì Hữu đã từng bị cảnh sát biển bắt 2 lần nên không thể đem tàu sang nước ngoài vận chuyển xăng nữa. Do đó đã kêu gọi Viễn góp vốn và thuê lại tàu của Viễn nhằm chia bớt rủi ro. Đồng thời, cả hai rủ thêm bị cáo Phùng Danh Thoại (nguyên đại tá, trưởng phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh cảnh sát biển) góp vốn để nếu bị bắt thì nhờ bị cáo Thoại đứng ra giúp.
Quá trình làm ăn, bị cáo Viễn cho biết Hữu vẫn còn nợ 3 chuyến hàng chưa trả tiền. “Tư duy của bị cáo chỉ tính tiền cho Hữu thuê tàu, còn lại bị cáo không quan tâm đến việc bán hàng về Việt Nam”- bị cáo Viễn khai nhận.
Ngoài ra, cũng theo bị cáo Viễn, nếu trừ các loại chi phí thì bị cáo chỉ nhận được tiền lời 1,5 ngàn đồng/lít chứ không phải 2 ngàn đồng/lít như cáo trạng nêu.
* Bị cáo khai nhập xăng ít hơn số xăng ghi trong cáo trạng
Theo bị cáo Hữu, trong số gần 200 triệu lít cáo trạng buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu thì có hơn 2,5 triệu lít xăng bị bắt giữ quả tang, số còn lại là do cơ quan điều tra tự tính toán thông qua số chuyến hàng có trong giấy tờ.
Cáo trạng nêu, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, các bị cáo đã đưa vào Việt Nam gần 200 triệu lít. Nhưng theo bị cáo Hữu, thực tế xăng bị cáo nhập lậu tiêu thụ tại Việt Nam là 127 triệu lít, số còn lại là tiêu thụ tại Campuchia (67 triệu lít). Tổng số xăng bị cáo đã nhập chỉ khoảng 194 triệu lít chứ không phải gần 200 triệu lít như cáo trạng nêu.
Các bị cáo bị dẫn giải ra xe chở phạm |
“Bị cáo chỉ góp một phần vốn 20% trong tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số người khác góp vốn và nhờ bị cáo làm trung gian nhưng do cơ quan điều tra không xác định nhân thân của những người đó nên buộc bị cáo phải chịu toàn bộ 40% tiền góp vốn là hơn 13 tỷ đồng”- bị cáo Hữu khai nhận.
Cũng theo lời bị cáo Hữu khai, quá trình bị tạm giam, bị cáo có nhận được kết luận điều tra và trong kết luận có xác định bị cáo đưa đi tiêu thụ tại Campuchia là hơn 57 triệu lít xăng. Nhưng sau đó, cơ quan điều tra thu hồi lại kết luận điều tra và sửa lại bản khác buộc bị cáo phải chịu toàn bộ số xăng nhập lậu đều tiêu thụ tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo bị cáo Hữu, khi xăng vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam sẽ hao hụt nhiều nhưng cơ quan điều tra không trừ ra.
* Khóc vì kéo con vào vòng lao lý
Cáo trạng Viện KSND tỉnh xác định, số tiền lời của bị cáo Hữu nhận là 2 ngàn đồng/lít. Tuy nhiên, theo bị cáo Hữu, số tiền chênh lệch để xác định bị cáo được tiền lời là phải tính chi phí đầu tư, chi phí phải chi các loại thì mới ra được số tiền lời. Tuy nhiên vì để con trai bị cáo Hữu là bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (33 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được tại ngoại nên bị cáo đã chấp nhận tất cả theo ý điều tra của cơ quan. Nói đến đây, bị cáo Hữu đã khóc vì đã kéo con trai vào vòng lao lý.
“Đáng ra cơ quan điều tra phải tính toán rõ ràng tất cả các chi phí rồi trừ phần thu và chi ra mới ra được tiền lời. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tự tính trung bình lời 2 ngàn đồng/lít mà không căn cứ vào đâu cả”- bị cáo Hữu khai nhận tại tòa.
Theo bị cáo Hữu, chi phí một chuyến tàu để đưa được hàng về Việt Nam bao gồm như: chi phí môi giới; chi phí tiền cảng, hoa tiêu, phân phối, kho chứa, thuê bãi, tiền “bôi trơn” (mỗi tháng 1 lần)…, nhưng cơ quan điều tra không tính toán mà chỉ trừ chênh lệch tiền mua vào, bán ra để xác định số tiền lời của bị cáo là 2 ngàn đồng/lít.
Bên cạnh đó, theo lời bị cáo Hữu, từ tháng 7-2020 đến tháng 2-2021, bị cáo chỉ bán hàng cho Tứ (chỉ khoảng 91 triệu lít xăng, theo cáo trạng là bán hơn 129 triệu lít) chứ bị cáo không bán số hàng hơn 28 triệu lít xăng cho Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM). Tuy nhiên, cáo trạng lại buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm với số hàng mà Tứ đã bán cho bị cáo Vân (hơn 28 triệu lít).
* Chiều nay, tòa tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Khoa.
Tố Tâm