Trong phiên xét xử đại án buôn lậu xăng chiều 31-10, một số bị cáo cho rằng, bản thân không buôn lậu xăng và mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét số tiền thu lợi bất chính là tiền thưởng, không bao gồm tiền lương.
Trong phiên xét xử đại án buôn lậu xăng chiều 31-10, một số bị cáo cho rằng, bản thân không buôn lậu xăng và mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét số tiền thu lợi bất chính là tiền thưởng, không bao gồm tiền lương.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa tại phiên tòa xét xử ngày 31-10 |
* Không thừa nhận tham gia buôn lậu xăng
Chiều 31-10, HĐXX tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Minh Khoa, giám đốc Công ty vận tải biển Thuận Phát, em họ Viễn, 52 tuổi, ngụ Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Khoa là người chỉ đạo, điều hành các hoạt động của thuyền trưởng tàu Pacific Ocean sang Singapore mua xăng ở cả 2 giai đoạn: giai đoạn Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cùng Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) góp vốn và giai đoạn Viễn góp vốn với Nguyễn Minh Đức, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, TP.Hải Phòng. Bị cáo Khoa phải chịu trách nhiệm với số xăng nhập lậu gần 200 triệu lít xăng.
Bị cáo Khoa cho rằng, bản thân nghi ngờ bị cáo Hữu buôn lậu và thuê thuyền vận chuyển của Khoa nhưng không tố giác tội phạm. Còn bị cáo không tham gia việc buôn lậu xăng dầu của bị cáo Viễn, Hữu, Đức. Do đó, bị cáo không đồng ý việc phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số xăng nhập lậu trong 2 đợt là hơn 200 triệu lít xăng.
Cũng theo bị cáo Khoa, bị cáo chỉ được hưởng tiền lương và hưởng tiền chênh lệch thuê tàu (bị cáo thuê của Viễn và cho Hữu thuê lại), còn lại bị cáo không được chia lợi nhuận. Bị cáo hưởng lợi 100 triệu đồng và đã nộp lại.
Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo Khoa cho biết, trong quá trình bị bắt giam, mẹ bị cáo đã mất, vợ và con bị bệnh nặng nên mong HĐXX xem xét.
* Thuyền trưởng cho rằng, chỉ là người làm công, ăn lương
Bị cáo Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean, 36 tuổi, H.Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Tuấn Việt (thuyền phó tàu Pacific Ocean, 36 tuổi, ngụ Q.Hải An, TP.Hải Phòng) cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo tội buôn lậu là không đúng. Bởi lẽ bị cáo được Khoa thuê đi vận chuyển xăng từ Singapore và chỉ nhận lương. Khi đến Singapore thì sẽ báo cho bị cáo Hữu để Hữu gửi tọa độ đến các bị cáo cho thuyền cập bến.
“Với trách nhiệm của bản thân bị cáo ghi rất đầy đủ nhật ký tàu Pacific Ocean mua hàng từ Singapore về Việt Nam. Bị cáo Khoa dặn phải hủy sổ nhật ký khi bị cơ quan điều tra bắt”- bị cáo Văn Việt khai tại tòa.
Bị cáo Trần Văn Việt tại phiên xét xử vào chiều 31-10 |
Tuy nhiên, sau khi nghe HĐXX giải thích về việc các bị cáo Văn Việt và Tuấn Việt là người giúp sức chở xăng cho các bị cáo khác buôn lậu nên phạm tội đồng phạm giúp sức mà không phải chủ mưu thực hiện hành vi phạm tội.
Nghe đến đây, bị cáo Văn Việt và Tuấn Việt cho rằng, bản thân chỉ là người làm công ăn lương và không biết bản thân đang thực hiện hành vi phạm pháp. Cuối cùng chỉ vì thiếu hiểu biết lại vướng vào vòng lao lý nên rất hối hận.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cả thuyền trưởng và thuyền phó cho rằng, ngay từ chuyến hàng đầu tiên là đã biết việc vận chuyển xăng là hành vi trái phép. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, các bị cáo lại cho rằng, không biết việc vận chuyển xăng là trái phép bởi lẽ hồ sơ mua xăng đầy đủ các giấy tờ: hóa đơn, giấy chứng nhận chất lượng, phiếu giao nhận hàng.... Đến khi bị bắt thì điều tra viên gợi ý và nói về hành vi vi phạm nên bị cáo mới nhận thức được hành vi vi phạm.
Do lời khai của các bị cáo bất nhất nên trong quá trình xét hỏi, kiểm sát viên phải liên tục công bố các bút lục về lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra.
Cả hai bị cáo đều cho biết bản thân đi làm hưởng lương và thưởng. Phần tiền lương là bị cáo bỏ công sức ra nên cần được nhận, tiền thưởng là tiền từ thu lợi bất chính. Do đó cần xác định tiền thu lợi bất chính chỉ là tiền thưởng chứ không phải tiền lương các bị cáo được nhận.
Phiên tòa kết thúc và sẽ tiếp tục vào ngày mai 1-11.
Tố Tâm