(ĐN) - Đồng Nai chọn Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) để thí điểm Mô hình xử lý ô nhiễm và tái chế toàn bộ chất thải trại heo bằng tổ hợp công nghệ vi sinh, sinh khối giun.
(ĐN) - Đồng Nai chọn Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) để thí điểm Mô hình xử lý ô nhiễm và tái chế toàn bộ chất thải trại heo bằng tổ hợp công nghệ vi sinh, sinh khối giun. Mô hình này nếu đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường sẽ triển khai nhân rộng. Đây là chia sẻ của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tại buổi làm việc chiều 29-9.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 2 từ trái qua) nghe chủ đầu tư chia sẻ về địa điểm lựa chọn thí điểm mô hình |
Theo Công ty CP công nghệ sinh học BioRec, đơn vị đề xuất triển khai dự án, mô hình này đã được nhiều nơi áp dụng tuy nhiên ở mức độ công nghiệp, quy mô lớn thì chưa có. Công ty chọn Đồng Nai để thí điểm, đánh giá và phổ biến mô hình bởi quy mô chăn nuôi trang trại của tỉnh lớn nhất nhì cả nước, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan đến vấn đề vệ sinh môi trường. Đơn vị cũng mong muốn thông qua mô hình thí điểm, kết quả mô hình có thể hợp tác với nhiều địa phương, trang trại để nhân rộng mô hình. Công ty chịu toàn bộ chi phí về thiết bị, nhân công để thực hiện mô hình thí điểm trên trang trại quy mô 4 ngàn con. Công ty CP công nghệ sinh học BioRec đề xuất được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu trang thiết bị và các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất.
Sau khi nghe ý kiến của đơn vị đề xuất dự án, các sở ngành và kiểm tra thực tế trang trại chăn nuôi của Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, việc triển khai thí điểm mô hình này là cần thiết bởi ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý triệt để chất thải. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, quá trình triển khai thực hiện, công ty phải chứng minh đạt được các hiệu quả: mùi hôi, đạt tiêu chuẩn nước thải đầu ra và chất lượng phân hữu cơ từ nuôi giun. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở KH-CN gắn mô hình này với đề tài khoa học ứng dụng công nghệ sinh học tái chế chất thải chăn nuôi cấp tỉnh. Các sở, ngành, địa phương theo dõi hiệu quả mô hình. Trên cơ sở kết quả mô hình thí điểm, tỉnh sẽ quyết định việc triển khai nhân rộng.
H.Vĩnh Cửu là địa phương chăn nuôi lớn của tỉnh với 19 cơ sở chăn nuôi cấp tỉnh, 198 cơ sở chăn nuôi cấp huyện và hơn 570 hộ gia đình. Hiện đa số cơ sở áp dụng công nghệ xử lý phân, nước thải biogas, nước thải thu gom, xử lý sau đó tuần hoàn vệ sinh chuồng trại hoặc xả ra môi trường; phân heo thu gom, ủ hoai rồi bán lại cho nông dân hoặc cơ sở sản xuất phân bón; dùng quạt kết hợp với vệ sinh chuồng trại để giảm mùi hôi.
Hoàng Lộc