Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu vào 196 quốc gia, vùng lãnh thổ

05:07, 21/07/2022

(ĐN) - Ngày 21-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các ban, bộ, ngành.

(ĐN) - Ngày 21-7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các ban, bộ, ngành.

Đầu cầu Đồng Nai tham dự hội nghị trực tuyến chuyên đề: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Đầu cầu Đồng Nai tham dự hội nghị trực tuyến chuyên đề: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2030, tốc độ tăng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3%/năm, năng suất lao động nông nghiệp tăng 5,5-6%/năm, trên 90% số xã đạt nông thôn mới, trong đó có 50% xã đạt nông thôn mới nâng cao. Hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước. Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã cơ cấu lại theo hướng hiện đại, đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô và trình độ sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu tăng mạnh.

Giai đoạn 2008-2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp đạt hơn 3%/năm. Năng suất lao động nông nghiệp đạt gần 56 triệu đồng/người, cao hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng nhanh, năm 2020 đạt kim ngạch 42,34 tỷ USD, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 196 quốc gia, vùng lãnh thổ và trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, riêng nông sản có 3 mặt hàng.

Ngoài ra, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Việc đào tạo lao động nông thôn, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng cao, thu nhập của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2020 là 1.567 ngàn tỷ đồng. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân là gần 18,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục là nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, năng suất lao động chưa cao, nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối giữa nông thôn và đô thị còn yếu, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, trình độ khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp, thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, bấp bênh, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời và có vai trò quan trọng trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, các địa phương phải phát huy lợi thế vùng miền, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Từ đó, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân.       

Tại đầu cầu Đồng Nai tham dự hội nghị trực tuyến có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường; Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch HĐND tỉnh, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Theo đánh giá, các địa phương tham gia xây dựng chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt có 5 tỉnh thành đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Đồng Nai, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên.

                                                                  Khánh Minh

Tin xem nhiều