Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm

09:06, 09/06/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 9-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 9-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Trong buổi sáng và đầu giờ chiều 9-6, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực giao thông. Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Hoàn thành xây dựng 5 ngàn km đường cao tốc, dừng thu phí nếu chưa hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đến ngày 30-6, toàn bộ các trạm BOT, trừ Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), phải hoàn thành lắp đầy đủ hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các làn, mỗi trạm chỉ chừa lại 2 làn ở 2 bìa để giải quyết những tình huống phức tạp, đột xuất.

Sau 2,5 ngày tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường với tinh thần nghiêm túc, trí tuệ, khẩn trương, đi thẳng vào 4 nhóm lĩnh vực: NN-PTNT, GT-VT, tài chính và ngân hàng, chiều 9-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã có 266 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 131 lượt ĐBQH đã thực hiện phiên chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó thủ tướng Chính phủ; 28 lượt ĐBQH đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm. Đối với các ĐBQH hỏi nhưng chưa có thời gian để thực hiện chất vấn và 133 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Sau kỳ họp và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề chất vấn...

Hoàng Hải

Đối với các trạm của VEC, do chúng ta vừa mới tháo gỡ cơ chế nên Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo đến ngày 31-7 sẽ hoàn thành toàn bộ. “Chính phủ rất cương quyết, nếu đến ngày 30-6, ngoài các trạm của VEC, mà không hoàn thành thì sẽ cho dừng thu phí, tập trung làm khi nào xong cho thu phí trở lại. Riêng VEC, đến ngày 31-7, nếu không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì cũng phải xả trạm, khi nào xong thì cho thực hiện thu phí trở lại” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Cũng tại phiên chất vấn, báo cáo và làm rõ một số nội dung liên quan đến tổng thể triển khai đường cao tốc trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3 ngàn km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5 ngàn km đường
cao tốc.

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã xác định tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành, phải ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch và đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bố trí cho đường cao tốc.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1-2022 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù và khởi công trong năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2.063km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công trong tháng 6-2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026. Đường vành đai 3 - TP.HCM và đường vành đai 4 - vùng thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6-2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

* Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm làm chậm tiến độ giải ngân.

Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ cho rằng, vấn đề này còn tồn tại, hạn chế do thực hiện chưa theo đúng kế hoạch, các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nhiều quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ công khai, minh bạch hơn, quy trình thực hiện dài hơn, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai, tài sản công cần được kiểm soát, việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề này còn chưa tốt.

Theo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này…

Phạm Tùng - Hải Quân


Cử tri NGUYỄN HỮU QUYỀN (P.Hóa An, TP.Biên Hòa):

Các câu hỏi chất vấn đi vào trọng tâm

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông, tôi thấy các đại biểu đã đặt ra cho Bộ trưởng GT-VT những câu hỏi đúng trọng tâm, đi sâu vào nhiều vấn đề mà trong nhiều năm qua còn tồn tại, chưa thực hiện được hoặc thực hiện với tính khả thi không cao, thiếu quyết liệt như: các trạm thu phí BOT, tại sao nói đến năm 2019 cơ bản sẽ thu phí điện tử không dừng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, làm chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là trong 8 tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam dù nhu cầu cần phải đầu tư nhiều tuyến đường để liên kết vận chuyển hàng hóa một cách thuận lợi về các cảng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức; tuyến quốc lộ 1K đến nay đã bàn giao cho Bộ GT-VT hơn 2 năm nhưng hiện nay tuyến đường này vẫn không có đèn chiếu sáng vào ban đêm, dễ gây tai nạn giao thông.

Cũng tại phiên chất vấn này, nhiều ý kiến của các ĐBQH quan tâm đến chuỗi liên kết vùng đối với hạ tầng giao thông hiện nay, từ nơi sản xuất hàng hóa ra các cảng sông, cảng biển, làm thế nào để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và kết nối thuận lợi...

Cử tri PHẠM VĂN HUY (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa):

Mong sớm đầu tư các dự án đường cao tốc

Trong phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông, nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém của hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là ở khu vực Đông Nam bộ, đã được các đại biểu nêu ra. Là người đang sinh sống tại TP.Biên Hòa nhưng làm việc tại H.Nhơn Trạch, tôi nhận thấy rõ vấn đề ùn tắc, kẹt xe do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu là rất thực tế, rõ nhất là trên tuyến quốc lộ 51. Do đó, tôi rất mong mỏi các dự án đường cao tốc được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này sớm được triển khai thực hiện để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.         

Quỳnh Nhi (ghi)


 

Tin xem nhiều
Khai thác từ Vị trí chiến lược