(ĐN) - Sáng 20-5, Hội Luật gia tỉnh tổ chức tọa đàm Về việc áp dụng và thi hành pháp luật xử lý vi phạm quy định pháp luật bảo vệ môi trường.
(ĐN) - Sáng 20-5, Hội Luật gia tỉnh tổ chức tọa đàm về việc áp dụng và thi hành pháp luật xử lý vi phạm quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Đến dự buổi tọa đàm có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống; Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lưu Thị Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và trên 20 luật gia, luật sư của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu chủ trì buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm có 10 ý kiến tham luận và phát biểu. Các đại biểu tập trung phân tích nhiều vấn đề, khía cạnh pháp lý còn bất cập trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới vi phạm và bất cập trong các quy định pháp luật về môi trường. Chẳng hạn như: thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh ở cấp cơ sở còn quá thấp, dẫn đến tình trạng các chức danh ở cơ sở không thể xử phạt các vi phạm hành chính về thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường. Biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các vi phạm hành chính về thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho quá trình triển khai thi hành. Một số vi phạm hành chính về thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường được quy định trong nhiều nghị định khác nhau với hình thức xử phạt và mức tiền phạt khác nhau. Thiếu phương tiện, máy móc trong việc xác định, đánh giá, ghi nhận mức độ gây hại cho môi trường để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm…
Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Ban quản lý các Khu công nghiệp trao đổi tham luận tại buổi tọa đàm |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, Hội Luật gia tỉnh sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến của các đại biểu để kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng với mục đích góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng chống hành vi xâm phạm môi trường, tội phạm môi trường. Trên cơ sở đó, các ngành, cơ quan có thẩm quyền kịp thời có hướng dẫn hoặc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn bất cập cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi và có căn cứ pháp lý vững chắc trong quá trình thực thi pháp luật về môi trường, bảo vệ môi trường, đấu tranh với các hành vi xâm phạm môi trường.
Đoàn Phú