(ĐN)– Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
(ĐN)– Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai |
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức với hơn 300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La và gần 4 ngàn đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước. Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời nhiều câu hỏi, ý kiến của nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học về các nội dung như: chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân khôi phục sản xuất sau khó khăn; gỡ khó trong tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, vốn vay không thế chấp; chính sách xây dựng chuỗi liên kết, thu hút đầu tư chế biến sâu; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường; giải pháp giải quyết bài toán lao động nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới; tình trạng sốt đất nông nghiệp ảnh hưởng đến sản xuất; giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn…
Trong đó, vấn đề thời sự được cả doanh nghiệp, nông dân đặc biệt quan tâm là giải pháp gỡ khó về giá vật tư đầu vào tăng cao; giải pháp giảm phụ thuộc nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiều vật tư đầu vào khác.
Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị trong và sau hội nghị để tiếp tục nghiên cứu, xem xét, trên cơ sở đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ngoài hội nghị đối thoại thường niên của Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương.
Ở đây, vai trò của Nhà nước phải ban hành các chủ trương, đường lối phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước; thể chế hóa các quy định pháp luật để thực hiện; có cơ chế, chính sách và giám sát thực hiện, đồng thời tổng kết, đánh giá sát với tình hình thực tế để có gì phát sinh trong thực tế thì kịp thời xử lý.
Doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng phải bám sát tình hình sản xuất, thị trường, xu thế phát triển để hỗ trợ nông dân. Tri thức hóa nông dân là chủ trương lớn và hiện chuyển đổi số đang đi vào mọi góc cạnh của cuộc sống, đến mọi người dân, trong đó có nông dân. Người nông dân cũng phải tích cực, chủ động tham gia.
Bình Nguyên