(ĐN) - Chiều 4-5, Đoàn công tác của Ủy ban xã hội - Quốc hội (khóa XV) do ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội Quốc hội làm trưởng đoàn đã khảo sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) - Chiều 4-5, Đoàn công tác của Ủy ban xã hội - Quốc hội (khóa XV) do ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội Quốc hội làm trưởng đoàn đã khảo sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ủy ban xã hội - Quốc hội tại UBND tỉnh |
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến đời sống, việc làm người dân trên địa bàn tỉnh. Khoảng 4.200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến sản xuất đã làm cho 500 ngàn NLĐ phải nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ giãn cách. Trước tình hình trên, ngoài các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, Đồng Nai đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, tính đến ngày 28-4, tỉnh đã giải quyết chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 822 ngàn lao động với số tiền trên 1.991 tỷ đồng; hỗ trợ trên 134 ngàn người dân với tổng kinh phí gần 166 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh hỗ trợ 2 doanh nghiệp vay vốn với số tiền gần 1.883 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch.
Đối với chính sách hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 68, tỉnh đã hỗ trợ trên 268 ngàn lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí trên 818 tỷ đồng; hỗ trợ trên 322 ngàn NLĐ ngừng việc với số tiền trên 394 tỷ đồng; hỗ trợ trên 995 ngàn NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền gần 1.493 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hộ kinh doanh, các trường hợp F0, F1…
Tại buổi làm việc, các Đại biểu Quốc hội thành viên đoàn khảo sát đã thẳng thắn trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các chính sách; hướng giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về: Xác minh thông tin đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ các trường hợp F1,F0; thời điểm hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; hỗ trợ NLĐ không có giao kết lao động; đánh giá về sự phát triển thị trường lao động và tình trạng nhận bảo hiểm xã hội 1 lần của NLĐ… Các ý kiến được các sở, ngành, địa phương giải đáp chi tiết và đầy đủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đồng Nai trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần ổn định đời sống người dân, phục hồi sản xuất sau đại dịch. Đồng Nai ứng dụng công nghệ tốt trong việc hỗ trợ các chính sách của NLĐ. Đối với những ý kiến đóng góp của địa phương về các chính sách hỗ trợ là cơ sở để Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp và trình Quốc hội, Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa chính sách với mục tiêu các chính sách hỗ trợ thiết thực, dễ tiếp cận với người dân, thông thoáng trong triển khai thực hiện và có tác động an sinh xã hội tích cực.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp về các vướng mắc của đoàn công tác và cho biết, Đồng Nai sẽ tháo gỡ và tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn đã khảo sát tại UBND H.Trảng Bom và Công ty TNHH Pousung Việt Nam.
Lan Mai