Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt mọi khó khăn, tăng tốc phát triển - kinh tế xã hội

03:03, 07/03/2022

Ngay sau Tết, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc với tinh thần khẩn trương, không để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả". Từ đó nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến tích cực.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc với tinh thần khẩn trương, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Từ đó nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm và những ngày đầu của tháng 3 đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện bằng những kết quả cụ thể.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu trong buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 do UBND tỉnh tổ chức
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu trong buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 do UBND tỉnh tổ chức

Trong buổi họp giao ban tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 diễn ra vào sáng 7-3, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong tháng 3 này các sở ngành, địa phương phải tăng tốc mạnh hơn nữa, phải chọn những lĩnh vực đột phá và cho ra kết quả cụ thể để báo cáo với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh”.

* Kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc

Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT Võ Hoàng Phương, bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên nền kinh tế Đồng Nai đã trở lại trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp, người dân đã thích ứng với việc sống chung với Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 4,89% so cùng kỳ. Mới phục hồi sau đại dịch, hầu hết doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt cao như trên là kết quả đáng ghi nhận.

Trong khi đó các ngành chăn nuôi, trồng trọt thuộc lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng. Tính đến tháng 2-2022, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh khoảng 2,2 triệu con (tăng 4,66% so cùng kỳ), trong đó tổng đàn heo khoảng 2,1 triệu con  (tăng 4,86% so cùng kỳ), đàn gia cầm khoảng 25,2 triệu con (tăng 1,86% so cùng kỳ). Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tốt, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 65/120 xã nông thôn mới nâng cao, 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 6 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận.      

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn:  “Năm 2022 và 2023 là những năm rất quan trọng để hiện thực hóa của mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, đây chính là khát vọng vươn lên của Đồng Nai. Cả hệ thống chính trị phải nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn. Từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần quyết tâm cao nhất, nêu cao tính tiền phong gương mẫu để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Từ đầu năm 2022 các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí cơ bản đã hoạt động bình thường trở lại, đặc biệt là hoạt động sản xuất công nghiệp đã có bước khởi sắc, tác động tích cực đến các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương và các ngành liên quan bám sát diễn biến thị trường để có sự điều chỉnh kịp thời. Theo tính toán của ngành Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt 37,1 ngàn tỷ đồng (tăng 12,97% so cùng kỳ).

Sau nửa năm 2021 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Đồng Nai đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Sở KH-ĐT, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của tỉnh đạt 4,4 tỷ USD, tăng 31,6% so cùng kỳ với cùng kỳ (trong khi cả nước là 10,2%). Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,52 tỷ USD. Đánh giá nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho hay, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã khôi phục lại sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch, có nhiều đơn hàng mới trong năm 2022 được ký kết, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thu ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, số thu 2 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 12,8 ngàn tỷ đồng (đạt 23% so với dự toán năm, bằng 85% so cùng kỳ). Còn giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết tháng 2 mới đạt 5,23%, trong đó tỷ lệ giải ngân của ngân sách trung ương đạt 7,7%, tỷ lệ giải ngân của ngân sách địa phương đạt 4,93% (ngân sách tỉnh đạt 2,14% kế hoạch năm; cấp huyện đạt 8,08% kế hoạch năm).

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong 2 tháng đầu năm, Sở LĐ-TBXH đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định lao động phục vụ sản xuất, tăng cường hỗ trợ giới thiệu việc làm, đồng thời giải quyết các chính sách cho người lao động, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề... Ngành Y tế tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, dù số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao nhưng số ca bệnh chuyển nặng và tử vong giảm và luôn được kiểm soát. Điều này cũng tạo tâm lý an tâm để ngành GD-ĐT mở cửa lại trường học và phụ huynh đồng thuận cho con em trở lại trường.

* Tăng tốc nhanh hơn nữa

TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có nhiều dự án trọng điểm được tỉnh quan tâm đầu tư nhằm tạo sự đột phá trong xây dựng đô thị Biên Hòa. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, cuối năm 2021 đã khởi công một số dự án, trong đó có Dự án đường ven sông Đồng Nai từ Cầu Mới đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu và Khu tái định cư P.Thống Nhất. Hiện nay thành phố đang tích cực chuẩn bị các thủ tục để khởi công đường ven sông Cái (thuộc P.Thống Nhất), đường trục trung tâm TP.Biên Hòa và hầm chui cầu Hóa An. Ông Nguyên cho biết thêm: “Hiện thành phố đang có nhiều dự án trọng điểm, khâu quan trọng là giải phóng mặt bằng để khởi công, áp lực với khâu này là rất lớn. Do đó thành phố cũng kiến nghị với tỉnh tăng cường hỗ trợ để đẩy nhanh hơn tiến độ, đặc biệt là với trục đường trung tâm thành phố”.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, hiện nay công tác quy hoạch đang được tiến hành khẩn trương, hoàn thành phê duyệt đến đâu công khai đến đó cho người dân biết. Ông Đức cho rằng: “Các địa phương phải tăng cường công tác quản lí quy hoạch sử dụng đất, xử lí nghiêm các trường hợp sử dụng thông tin quy hoạch không chính xác để trục lợi. Tình trạng phân lô bán nền thời gian qua đã được kiểm soát nhưng không được chủ quan, vì chỉ cần lơ là sẽ lập tức phá vỡ quy hoạch”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế thì cho biết, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhất là với biến thể mới Omicron. Sở Y tế đang tiếp tục triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch hiệu quả, hạn chế các ca bệnh nặng và nhất là các ca tử vong. TS.BS.Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Những ngày tới, Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo các trung tâm y tế đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3 cho người dân. Việc phủ sớm mũi 3 là rất quan trọng, góp phần hạn chế ca bệnh nặng và tử vong từ sớm, từ xa khi mũi vaccine thứ 2 giảm dần hiệu lực phòng bệnh”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, ngành Giáo dục đang vượt qua mọi khó khăn, áp lực để duy trì dạy và học đảm bảo chất lượng.  Ngành cũng đã khảo sát việc tiêm vaccine cho học sinh từ 5 -11 tuổi, trong đó có gần 65% phụ huynh đồng ý cho trẻ được tiêm vaccine phòng Covid-19, 23,5% phụ huynh cho biết sẽ cân nhắc cho con em được tiêm, 8,2% đồng ý tiêm nếu bắt buộc, 0,7% không có ý kiến và chỉ có 2,5% không đồng ý cho con em mình tiêm. Thời gian tới ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế tăng cường hiệu quả công tác phòng chống dịch, tiếp tục tuyên truyền sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi khi có vaccine.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “căn bệnh” chưa được khắc phục, cứ 100 dự án đầu tư công thì có tới 90 - 95 dự án bị chậm. Muốn giải quyết được vấn đề này, trong thời gian tới phải tháo gỡ ngay từ khâu thiết kế dự án, đảm bảo tái định cư, quản lí nhà thầu và sự chậm trễ trả lời các văn bản của các sở ngành đối với các nhà thầu. Do đó, UBND tỉnh phải làm tốt công tác triển khai, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành và địa phương với nhiệm vụ được giao. “Trong công tác chỉ đạo điều hành từ nay về sau nếu có chậm tiến độ thì không được nêu lí do là vì dịch Covid-19, vì tất cả đều đã có phương án từ trước”- đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh rõ.

Đồng chí Hồ Thanh Sơn cũng đề nghị, phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân, đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: “Ngành Y tế phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ người dân tiêm mũi 3 còn thấp. Phải chăng sau khi tiêm mũi 2 rồi thì tỷ lệ ca bệnh nặng, tỷ lệ tử vong thấp nên nảy sinh tâm lý chủ quan, không cần tiêm mũi 3 nữa”.  

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, để đẩy nhanh các dự án trọng điểm, hạn chế tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, sắp tới tỉnh sẽ xin ý kiến Ban TVTU về việc thành lập 3 ban xây dựng cơ bản. Trong số này có Ban bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư, Ban các dự án giao thông trọng điểm và Ban các công trình cơ bản còn lại. Đây sẽ là sự khác biệt của Đồng Nai với cả nước về thành lập các ban xây dựng cơ bản. Các ban này sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, trong đó có 1 ban chuyên làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư, 2 ban còn lại là thực hiện dự án.

                                                                               Công Nghĩa

Tin xem nhiều