Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển cảnh quan nông nghiệp bền vững

08:02, 18/02/2022

(ĐN)- Chiều 18-2, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức diễn đàn quốc tế cấp cao về phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững tại tỉnh Đồng Tháp.

(ĐN)- Chiều 18-2, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức diễn đàn quốc tế cấp cao về phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững tại tỉnh Đồng Tháp. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và Giám đốc điều hành WWF toàn cầu Prasana De Silva đồng chủ trì với sự tham gia của hơn 200 điểm cầu trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Diễn đàn đã tập trung nhiều ý kiến trao đổi về phương pháp tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững, tìm hiểu và chia sẻ các mô hình phát triển cảnh quan nông nghiệp bền vững trên thế giới. Trong đó, một số mô hình đã được triển khai ở Việt Nam có thể phát triển và nhân rộng trên toàn quốc như: bảo tồn rừng ngập mặn và các giải pháp cho quản lý rừng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long; các vấn đề phát triển cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; mô hình phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng; mô hình nông - lâm kết hợp phục hồi và phát triển sinh kế cho người trồng rừng tại Tây Bắc; mô hình chuỗi cà phê bền vững tại Lâm Đồng...

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, thời gian qua, rất nhiều dự án liên quan đến cảnh quan nông nghiệp đã được triển khai tại Việt Nam và đóng góp rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường... Tiêu biểu như mô hình xen canh lúa - nuôi trồng thủy sản, mô hình nông lâm kết hợp, phục hồi sinh kế cho người trồng rừng... Nhờ đó, rừng tái sinh tăng mạnh, tỷ lệ che phủ rừng tăng cao so với những năm trước. Việt Nam đã tiếp cận và có những mô hình chứng minh hiệu quả trong thực tế nhưng vẫn chưa có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và nhiều mục tiêu khác; cần có phương pháp tiếp cận mới về cảnh quan nông nghiệp, đáp ứng cả mục tiêu kinh tế - xã hội. Tác động biến đổi khí hậu, thiên tai mỗi vùng, miền rất khác, cách tiếp cận và phương pháp trong quản lý cảnh quan nông nghiệp phải rất cụ thể cho từng tiểu vùng, từng vùng. Bộ NN-PTNT tiếp thu những đóng góp, kiến nghị để đưa vào chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 hướng tới xây dựng nông nghiệp xanh, nông thôn sinh thái và nông dân thông minh. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong tiếp cận phương thức mới, cách làm mới cũng như cả nguồn lực.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích