Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đồng Nai...
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, phóng viên TTXVN tại Đồng Nai đã thực hiện cuộc phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhằm làm rõ hơn quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và quân dân trong tỉnh vượt qua đại dịch COVID-19, sớm phục hồi kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển toàn diện, xứng đáng là địa phương đi đầu trong "Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh |
* Thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy khôi phục phát triển kinh tế trên địa bàn. Xin đồng chí đánh giá về những kết quả tỉnh Đồng Nai đã đạt được khi thực hiện các chỉ đạo quyết liệt nói trên?
- Trong năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Tình hình dịch COVID-19 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, vẫn còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đời sống nhân dân, nhất là người lao động tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế tỉnh tăng trưởng 2,15% so với cùng kỳ (mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 2,01%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1%; thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020 đều giảm.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền triển khai nhiều giải pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của tỉnh Đồng Nai cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng, cả nước, trước hết là các địa phương giáp ranh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết; đồng thời từng bước phục hồi kinh tế của tỉnh.
Kết quả, năm 2021 kinh tế Đồng Nai tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả như: Tỉnh chỉ đạo, thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do vậy, các doanh nghiệp an tâm sản xuất, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được liên tục; đời sống người dân ổn định, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, xuất khẩu của tỉnh tăng 12,76% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 ước tính xuất siêu khoảng 1,25 tỷ USD. Cùng với đó, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh khoảng 62.366,8 tỷ đồng, đạt 132% dự toán đầu năm và tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa là 44.766,787 tỷ đồng, đạt 132% dự toán đầu năm và tăng 7% so cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 Đồng Nai xếp hạng 20/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2019.
Tình hình quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, triệt phá được những vụ án lớn có quy mô, tính chất liên vùng như các đại án về mua bán xăng giả, ma túy, cho vay nặng lãi, khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hệ thống kinh doanh dược phẩm lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
* Trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Nai, Ông hay nhắc tới vai trò dẫn dắt xã hội vượt qua khó khăn trong dịch bệnh, quản trị điều hành khôi phục kinh tế ở địa phương của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Đồng Nai. Xin đồng chí vui lòng nói rõ hơn về vấn đề này?
- Vai trò dẫn dắt trên được hiểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh cần vận động và dẫn dắt người dân chống dịch sao cho hiệu quả nhất, hướng dẫn người dân sống chung với dịch, để dân sinh hoạt, đi lại, sản xuất bình thường. Không để dân bị thiếu đói, ai bệnh nặng thì trị, ai bệnh nhẹ ở nhà cách ly tự điều trị… làm sao kinh tế phát triển, sức khỏe người dân được bảo vệ và dịch bệnh vẫn được kiểm soát.
Về đảm bảo công tác an sinh xã hội, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cần nâng cao chất lượng sống cho người dân; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19; tổ chức vận động chăm lo đời sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị thiếu đói; quan tâm, chia sẻ đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng; huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống, an ninh an toàn cho người dân, đô thị thông minh.
Về phục hồi kinh tế không chỉ gói gọn ở một địa phương mà phải gắn với phục hồi và phát triển kinh tế của cả vùng, cả nước và diễn biến tình hình kinh tế của thế giới, khu vực. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp và phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện tốt các cơ chế chính sách, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, tỉnh cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào quá trình phục hồi kinh tế; sử dụng tối đa công nghệ để quản lý, giám sát chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động của xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó ưu tiên hướng đến xây dựng xã hội số, những dịch vụ số, công nghệ thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nội dung “khoa học – công nghệ là then chốt” trong giai đoạn mới hiện nay.
* Thưa đồng chí, chiến lược phát huy tiềm năng nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị sân bay, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?
- Hiện nay, để phát triển mô hình đô thị sân bay, Đồng Nai đã được đầu tư, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đây là tuyến kết nối chính Thành phố Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành đi vào khai thác. Bên cạnh đó, trên địa bàn đang triển khai xây dựng 2 dự án đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây để phục vụ cho phát triển hệ thống giao thông đường bộ, phục vụ kết nối sân bay Long Thành, Chính phủ đang triển khai các dự án: cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, các tỉnh Miền Đông Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 để tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, để phát huy lợi thế một sân bay quốc tế có tầm ảnh hưởng cấp quốc gia và khu vực Châu Á “Cửa ngõ quốc tế đến Việt Nam, Đông Dương và Vùng Đông Nam Á”, công tác quy hoạch định hướng phát triển là quan trọng, cần đảm bảo các khu chức năng sẽ được bố trí theo mô hình vệ tinh và xen cài được tập trung hay lan tỏa trong hành lang kết nối với lõi trung tâm (sân bay), phân vùng chức năng dành quỹ đất để xây dựng các khu chức năng phù hợp với hoạt động của sân bay và khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quản lý xây dựng trong khu vực một cách hợp lý; đặc biệt nghiên cứu quy hoạch được đặt trong viễn cảnh và xu hướng phát triển sân bay quốc tế.
Tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo và mời các nhà khoa học, tập đoàn lớn, các nhân sĩ trí thức góp ý vào quy hoạch vùng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Vùng Cảng này, tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, góp phần xây dựng vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đô thị sân bay được quy hoạch bài bản, hiện đại.
* Bước sang năm mới 2022, Đồng Nai sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm tiếp tục phát huy những lợi thế của tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thưa đồng chí?
- Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020 đều giảm.
Do đó, trong năm 2022, để phát huy những lợi thế của tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo kế hoạch số 14390/KH-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh.
Đồng Nai tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, tập trung vào các công trình, dự án động lực có tính lan tỏa cao.
Đồng Nai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 dự án cao tốc qua địa bàn: Mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đề xuất cơ chế triển khai dự án vành Đai 3, Vành đai 4; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối vùng.
Tỉnh tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 để đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cuộc sống cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tỉnh rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, xây dựng còn chồng chéo, bất cập; qua đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý hồ sơ đầu tư.
Đồng Nai quan tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, kiểm soát dự án, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ sạch; nghiên cứu việc áp dụng nội dung Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị "về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030" vào vấn đề đầu tư cho các dự án, kể cả việc đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.
Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đảm bảo tiến độ, chất lượng đồ án Quy hoạch xứng tầm vị thế và tiềm năng của tỉnh để phát huy tối đa nguồn lực và hoạch định không gian phát triển hợp lý, hiệu quả, kết nối với sự phát triển vùng và quốc gia; đồng thời tập trung triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị, thương mại dịch vụ, dự án Xa lộ nước Long Thành.
Tỉnh triển khai các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người nghèo và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trước mắt, tập trung giải pháp cải tạo chất lượng các nhà trọ công nhân, nhà ở xã hội, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí nhà trọ đảm bảo các vấn đề về thông thoáng, diện tích, thiết kế phù hợp, phấn đấu năm 2022 hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở xã hội (từ 3 đến 5 dự án) để đủ điều kiện khởi công vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Đồng Nai đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó ưu tiên hướng đến xây dựng xã hội số, những dịch vụ số, công nghệ thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nội dung “khoa học - công nghệ là then chốt” trong giai đoạn mới hiện nay.
* Trân trọng cám ơn đồng chí!
Nguyễn Văn Việt (Thực hiện)