(ĐN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội XV, chiều 6-1, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025;..
(ĐN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội XV, chiều 6-1, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ. Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quản Minh Cường chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thảo luận tại tổ |
Thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, có tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết kinh tế vùng. Do đó, nhất trí cao việc triển khai dự án, đồng thời nêu rõ quan điểm, cần cương quyết không điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh thêm, cần phải rà soát kỹ lưỡng, bổ sung các giải pháp, nhằm đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, không kéo dài dự án, không đội vốn tránh làm thất thoát ảnh hưởng ngân sách. Bên cạnh đó, cần lưu ý hạn chế tối đa tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công...
Theo tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 146.990 tỉ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn chuẩn bị dự án là năm 2021 - 2022, giai đoạn giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án là năm 2022 - 2023, khởi công xây dựng vào giữa năm 2023, hoàn thành các dự án vào năm 2025.
Về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, các đại biểu thống nhất cao và cho rằng việc triển khai là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ.
* Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, phân tích, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án Luật hiện nay. Trong đó, khi bàn về Luật thi hành án dân sự, theo các đại biểu, đây được xem là vấn đề sát sườn, nhưng còn nhiều bức xúc trong xảy ra cuộc sống. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, Luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quá trình điều tra, xử lý vật chứng, cân nhắc việc xây dựng các kho lưu trữ vật chứng, nhất là đối với các tài sản đang tranh chấp, tài sản có giá trị lớn, dễ hư hỏng…
Các ĐBQH tỉnh cũng bày tỏ kỳ vọng, việc sửa đổi một số điều của 8 luật sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia... Đồng thời, sẽ thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hồ Thảo