(ĐN) - Sáng 7-1, kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội XV đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
(ĐN)- Sáng 7-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai |
Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá đây là chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, với gói hỗ trợ này, Chính phủ đã thể hiện rõ sự vào cuộc kịp thời trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân. Đồng thời cho rằng, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao.
Đồng tình với các nhóm giải pháp đã được Chính phủ đưa ra, có đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung vào Nghị quyết các chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã với nguồn lực lớn hơn, chính sách can thiệp rộng hơn, thuận lợi hơn cho DN. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ và xuất nhập khẩu. Cũng liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ DN là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị tăng chi cho chương trình phòng, chống dịch, trang thiết bị ngành y tế, hỗ trợ chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Có ý kiến nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch, cần phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, trong đó phải cân nhắc quan tâm đến con người. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, cân đối lại, thay vì giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022, xem xét lại mức giảm thuế suất phù hợp hơn (có thể là giảm 1%) và áp dụng trong 2 năm 2022-2023 để hạn chế biến động lớn đến nguồn thu ngân sách và phù hợp hơn với lộ trình, diễn biến phục hồi kinh tế…
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240 ngàn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102 ngàn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).
Đối với năm 2023, Chính phủ sẽ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi của năm 2023 trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Hồ Thảo