Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút, nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực ngành Y tế

02:01, 20/01/2022

(ĐN) - Sáng 20-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự.

 

(ĐN) - Sáng 20-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng cả nước vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đất nước vẫn giữ được ổn định chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Quan hệ đối ngoại có những bước tiến quan trọng, hội nhập sâu rộng. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn đảm bảo, thu tăng hơn so với năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, không thiếu năng lượng để phục vụ sản xuất, tiêu dùng; không để đứt gãy thị trường lao động. Trong thành công chung đó có những đóng góp tích cực của ngành Y tế.

Thủ tướng biểu dương những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm qua. Ngành đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phòng chống dịch; chuyển trạng thái từ theo đuổi Zezo Covid sang kiểm soát linh hoạt, hiệu quả, an toàn với dịch bệnh. Thời điểm chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về virus, chúng ta đặt mục tiêu xem sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để chống lây lan dịch bệnh.

Trong những thời điểm khó khăn, ngành Y tế đã giữ được bình tĩnh, bản lĩnh để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành nhiều quyết sách quan trọng; kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trong nhân dân; triển khai tăng cường y tế cơ sở; không để đổ vỡ hệ thống y tế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh, thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, ngành còn góp phần đưa ra những chiến lược quan trọng. Đó là chiến lược vaccine, thành lập quỹ vaccine, thành lập Tổ ngoại giao vaccine, phát động chiến dịch tiêm vaccine miễn phí lớn nhất từ trước đến nay cho toàn dân. Dùng mọi biện pháp để đưa được vaccine về nước. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1, 95% đã được tiêm mũi 2. Đây là kết quả rất đáng tự hào. Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong giảm, đặc biệt là TP.HCM.

Ở thời điểm mới có trong tay 47 triệu liều vaccine nhưng ngành Y tế đã quyết tâm, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhằm chuyển trạng thái Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, thay đổi tư duy và các biện pháp chống dịch. Lực lượng y tế làm việc bất kể ngày đêm để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chúng ta chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động từng người dân tham gia bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Lực lượng y tế đã triển khai 700 trạm y tế lưu động để giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Vừa chống dịch vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, hình thành được lý luận và công thức phòng chống dịch. Trong đó, 3 trụ cột chính là: Cách ly trong phạm vi hẹp nhất, giải tỏa sớm nhất có thể; Xét nghiệm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tầm soát có trọng tâm, trọng điểm; Điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Công thức chống dịch là: 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + ý thức của người dân…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ dự báo, tình hình năm 2022 có những diễn biến tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành Y tế được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không được lơ là, chủ quan. Ngành Y tế cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn, đưa ra những quyết định chính xác. Chọn cách tiếp cận toàn dân, từ cơ sở, lấy xã phường làm pháo đài, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể.

Thủ tướng đánh giá rất cao sự vào cuộc của các nhà chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ y tế, sinh viên các trường đại học… trong công tác phòng, chống dịch. Qua đây khẳng định thêm lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, khẳng định được hình ảnh của người thầy thuốc. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế trong năm qua đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Do đó, trong năm 2022, ngành Y tế cần tiếp tục đoàn kết, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được. Quyết liệt hành động để khắc phục những hạn chế, yếu kém, trước hết là công tác quản lý nhà nước ngành Y tế. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước ngành Y tế có sơ hở, thiếu kiểm tra, giám sát, giáo dục dẫn đến nhiều vụ việc sai phạm đáng tiếc. Việc này phải kiểm điểm, đánh giá lại, khắc phục ngay.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Khẩn trương rà soát các chính sách, chế độ để thu hút được nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch nói riêng và khám, chữa bệnh nói chung. Tăng cường xã hội hóa để phát triển ngành y tế. Linh hoạt trong hợp tác công – tư. Đầu tư phát triển KHCN, chuyển đổi số. Về lâu dài phải lo đào tạo nhân lực ngành Y tế; nâng cao trình độ năng lực của cán bộ y tế bằng các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng; có chính sách thu hút nhân lực vào học ngành Y, có chính sách để sau ra trường, các bác sĩ về cơ sở nhiều hơn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Kiên trì thực hiện mục tiêu xem sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Trước mắt, thách thức còn rất nhiều, đó là vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, già hóa dân số.  Ngành Y tế phải tích cực cụ thể hóa, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng để thực hiện ở địa phương, giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài để phát triển ngành Y tế đúng hướng.

Cụ thể hóa chương trình phòng chống dịch trong năm 2022-2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người tham gia tuyến đầu chống dịch. Không để xảy ra khủng hoảng về y tế, không để đổ bể hệ thống y tế. Nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là các biến chủng mới.

Thần tốc hơn nữa tốc độ bao phủ vaccine trên nguyên tắc an toàn, khoa học, hiệu quả. Chủ động về thuốc, chống đầu cơ, chống buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề này.

Nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu để tiêm vaccine cho trẻ em để nhanh chóng mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán 2022. Tăng cường quản lý điều trị F0 tại nhà. Phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các biến chủng mới. Thống nhất các biện pháp chống dịch trên phạm vi toàn quốc.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích