(ĐN) - Theo Sở GD-ĐT, sau 2 tuần triển khai thí điểm cho học sinh trở lại trường, đến nay không ghi nhận sự cố gì bất thường. Với tình hình hiện nay, Sở sẽ xin ý kiến UBND tỉnh dự kiến đến tháng 2-2022 sẽ cho học sinh các cấp đồng loạt đến trường...
(ĐN) - Sáng 30-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phía Nam tăng, nhu cầu sử dụng oxy tăng, nên ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung oxy của tỉnh. Đến nay, tỉnh vẫn còn đủ oxy để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng nếu xuất hiện biến chủng mới và dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu oxy. Nhu cầu sử dụng oxy của các bệnh viện, cơ sở điều trị Covid-19 trong tỉnh hiện nay là 26 tấn/ngày.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, vừa qua Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chủ trì cuộc họp với Sở Công thương, Sở Y tế và các đơn bị sản xuất, kinh doanh oxy trên địa bàn nhằm tìm giải pháp nâng công suất sản xuất oxy trong thời gian tới. Cụ thể, Xí nghiệp hơi kỹ nghệ Biên Hòa có khả năng cung ứng 25 tấn oxy lỏng/ngày; Công ty TNHH Oxy Đồng Nai đang chạy tối đa công suất, khả năng cung ứng 21 tấn/ngày; Công ty Thép Vicasa-VNSTELL năng lực sản xuất khoảng 18m3/ngày, khả năng cung ứng tối đa oxy y tế đạt 200 chai (loại 40 lít)/ngày; Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam năng lực sản xuất tối đa đạt 34,3 tấn/ngày. Các công ty cho biết, hiện các nhà máy đã chạy hết công suất và không thể tăng thêm được nữa.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Sau khi bàn luận, Công ty Nippon Sanso cho biết, ngoài nhà máy tại Đồng Nai, họ còn có nhà máy chi nhánh ở Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 150 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhà máy này chưa đóng điện nên chưa hoạt động. Sở Công thương sẽ có văn bản gửi Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn thành sớm đường điện để vận hành nhà máy sản xuất oxy của công ty này. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ đóng điện cho nhà máy này để sớm đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Công ty TNHH Oxy Đồng Nai đang đàm phán với 1 công ty của Đức có nhà máy sẵn trước đây đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang tạm ngưng hoạt động. Nhà máy này có công suất khoảng 100 tấn/ngày. Tuy nhiên, phía công ty của Đức yêu cầu nếu hợp tác thì phải sử dụng hết công suất oxy trong vòng 2 năm mới vận hành lại nhà máy. Công ty TNHH Oxy Đồng Nai cần có sự cam kết của tỉnh và Tổ Công tác phía Nam về vấn đề này. Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh và Tổ Công tác phía Nam để sử dụng hết số oxy mà công ty sản xuất trong vòng 2 năm.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Về vấn đề chi trả hỗ trợ theo chế độ cho các lực lượng tham gia chống dịch, lãnh đạo Sở Tài chính đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để chi hỗ trợ cho các lực lượng theo gia chống dịch theo đúng quy định của Chính phủ.
Đối với vấn đề đi học trực tiếp của học sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, sau 2 tuần triển khai thí điểm cho học sinh trở lại trường học, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận sự cố gì bất thường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 92 trường học tổ chức dạy – học trực tiếp với hơn 26,8 ngàn học sinh, đạt tỷ lệ 93% học sinh đi học. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ vào mức độ dịch trên địa bàn để xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại, nhất là ở Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch. Với tình hình hiện nay, Sở GD-ĐT sẽ xin ý kiến UBND tỉnh dự kiến đến tháng 2-2022 sẽ cho học sinh các cấp đồng loạt đến trường, kể cả cấp mầm non, nhằm giải tỏa áp lực cho phụ huynh. Bởi, thực tế hiện nay các trường mầm non chưa nhận trẻ đi học trở lại, trong khi phụ huynh phải đi làm nên bắt buộc phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tư nhân khó đảm bảo các điều kiện cần thiết liên quan.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Kết luận tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở Công thương và các đơn vị liên quan phải có tính toán, phương án nhằm đảm bảo oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế cần phải tập trung để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Các địa phương phải hết sức khẩn trương trong việc chi hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hiện chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn chi hỗ trợ từ Qũy Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhưng mới chỉ có 4 địa phương chi hỗ trợ đạt 100%, vẫn còn 24 ngàn người lao động của 7 địa phương khác đã được phê duyệt nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Các địa phương rà soát những người lao động đã về quê mà chưa nhận được hỗ trợ để báo với Sở LĐ-TBXH, chờ đến khi người lao động vào lại Đồng Nai sẽ tiến hành chi trả.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Việc số trường học cho học sinh trở lại trường học tăng dần là nỗ lực lớn, cần phát huy và đảm bảo an toàn khi học sinh đến trường.
Hạnh Dung