Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc sức khỏe tâm thần, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng mùa dịch Covid-19

03:12, 15/12/2021

(ĐN) - Sáng 15-12, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức tổ chức hội thảo online "Chăm sóc sức khỏe tâm thần, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng mùa dịch Covid-19". Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu tâm lý học trong cả nước tham gia.

 

(ĐN) - Sáng 15-12, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức tổ chức hội thảo online “Chăm sóc sức khỏe tâm thần, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng mùa dịch Covid-19”. Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu tâm lý học trong cả nước tham gia.

Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng mùa dịch Covid-19” được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý trong cả nước. (Ảnh: Các nhà nghiên cứu tâm lý tại điểm cầu Đồng Nai)
Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần, nền tảng vượt qua mọi khủng hoảng mùa dịch Covid-19” được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý trong cả nước. (Ảnh: Các nhà nghiên cứu tâm lý tại điểm cầu Đồng Nai)

Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội tâm trị liệu Việt Nam đã công bố những con số đánh giá về bằng chứng đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng to lớn đến não bộ của bệnh nhân, người dân và đội ngũ nhân viên y tế trong mùa dịch.

Theo đó, có đến 69% số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 có biểu hiện dễ bị kích động, 65% có biểu hiện lú lẫn và 33% bị suy nhược thần kinh. Có 78% người dân sống trong vùng dịch có cảm giác lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi; 41,5% số người có nhu cầu được tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần và 5,9% có khủng hoảng tâm lý cần hỗ trợ khẩn cấp. Riêng đội ngũ nhân viên y tế, căng thẳng, mệt mỏi trong công việc đã khiến 17% bị rối loạn lo âu, 34% bị trầm cảm và 34% bị mất ngủ...

Qua đó, cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên sức khỏe tâm thần đối với nhiều đối tượng trong cộng đồng. Đồng thời, đưa ra kiến nghị với ngành y tế Việt Nam, về một Chiến lược quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2030; đề xuất nghiên cứu thực trạng nguồn lực cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý và xây dựng quy trình kỹ thuật dịch vụ can thiệp tâm lý.

Cũng tại hội thảo, TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Trường  Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TP.HCM) đã sơ kết dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch”. Được biết, được thực hiện từ ngày 15-7 đến 30-11-2021, dự án đã tổ chức khám và điều trị, tham vấn và trị liệu tâm lý từ xa cho hơn 900 trường hợp; đồng thời tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo, truyền thông trực tuyến với khoảng 3,5 ngàn người được hưởng lợi về chăm sóc sức khỏe tâm thần từ dự án.

Phương Liễu

Tin xem nhiều