Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

08:11, 24/11/2021

(ĐN)- Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chiều 24-11, tại Hà Nội diễn ra hội nghị chuyên đề triển khai các nội dung chuyên sâu về văn hóa. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì hội nghị.

(ĐN)- Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chiều 24-11, tại Hà Nội diễn ra hội nghị chuyên đề triển khai các nội dung chuyên sâu về văn hóa. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh, các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh
Lãnh đạo tỉnh, các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh

Tại hội nghị, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo các nội dung về tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đại biểu tham dự hội nghị đã trình bày các tham luận xoay quanh các vấn đề như: Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng được mong mỏi của những người làm công tác quản lý văn hóa, giới văn nghệ sĩ, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nhiều năm nay; để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những thành quả cũng như thiếu sót để thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm chấn hưng, làm cho văn hóa phát triển hơn. Sau hội nghị, toàn thể người dân Việt Nam đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Với nhiều nội dung, nhiều công việc phải làm thường xuyên, liên tục, Phó thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian tới.

Theo đó, Phó thủ tướng nêu rõ việc tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”, khắc phục tình trạng thực hiện yếu kém hoặc hạn chế về nguồn lực; không chú ý đúng mức đến văn hóa; sự mai một, hụt hẫng của đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế nói đến khái niệm “phát triển bền vững” không chỉ đề cập đến bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội mà còn bao hàm cả văn hóa xã hội.

“Một đất nước chỉ chú ý đến phát triển kinh tế, không chú ý đến môi trường sẽ mất thành quả phát triển của hàng chục năm mới khắc phục được các vấn đề về môi trường. Còn các vấn đề văn hóa - xã hội, phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục được, thậm chí là sụp đổ. Do đó, khi đã nhận thức triệt để những vấn đề mang tính sống còn đối với đất nước, dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ tìm mọi cách để thực hiện, dồn mọi nguồn lực để thực hiện bằng được” - Phó thủ tướng nói.

Nhấn mạnh cần nhìn nhận đúng những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa, Phó thủ tướng nêu rõ, dân tộc Việt Nam có nền văn hiến rực rỡ hàng ngàn năm, chiến thắng biết bao thiên tai, địch họa. Vì vậy, những bất cập, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội không phải là đặc tính của người Việt Nam. “Chúng ta phải có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa với sự thôi thúc, vừa cấp bách, vừa kiên trì, dài hơi” - Phó thủ tướng đề nghị.

Phó thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng…, chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, Bác Hồ đã từng nói, văn hóa là tất cả mọi sự sáng tạo, phát minh của con người; do đó, phải tạo ra một xã hội, một môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước.

Về xây dựng con người, Phó thủ tướng nêu rõ mối quan hệ giữa con người và văn hóa, trong đó phải nhắc đến vai trò quan trọng của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trên tinh thần cầu thị và kiên trì. Cùng với đó là văn hóa làm gương, Phó thủ tướng chia sẻ, di huấn “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ dành riêng cho cán bộ.

“Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông; đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc; người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người. Còn với cán bộ, Bác dạy thêm phải “chí công vô tư”. Trong bài phát biểu sáng nay, Tổng bí thư đã nói đến “làm gương trong toàn Đảng từ trên xuống”, nhưng với các cán bộ làm văn hóa phải từ trong ra, cố gắng phấn đấu thành những tấm gương về văn hóa” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng mong muốn, bằng hành động cụ thể, tất cả các cấp, ngành chú trọng hơn và dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn cho văn hóa; lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu và những người hoạt động thực tiễn, người có kinh nghiệm trước khi đưa ra các quyết định, bởi văn hóa trong mọi lĩnh vực đời sống.

Phó thủ tướng hy vọng, sau hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương cùng với Bộ VH-TTDL có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tin tưởng, nền văn hóa Việt Nam sẽ bừng sáng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.

My Ny - P.V

 

Tin xem nhiều