Báo Đồng Nai điện tử
En

Thẩm định Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn 2 huyện: Định Quán và Tân Phú

05:11, 26/11/2021

(ĐN) - Ngày 26-11, Hội đồng thẩm định quy hoạch đất cấp huyện đã tổ chức cuộc họp để đánh giá về quy hoạch sử dụng đất H.Định Quán đến năm 2030

(ĐN) - Ngày 26-11, Hội đồng thẩm định quy hoạch đất cấp huyện đã tổ chức cuộc họp để đánh giá về quy hoạch sử dụng đất H.Định Quán đến năm 2030. Tham dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, các thành viên trong Hội đồng thẩm định và đại diện các sở ngành.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài phát biểu tại cuộc họp
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài phát biểu tại cuộc họp về quy hoạch sử dụng đất H.Định Quán đến năm 2030

Trong giai đoạn 2021-2030, H.Định Quán sẽ định hướng sử dụng đất theo 5 tiểu vùng là Vùng phát triển đô thi dọc Quốc lộ 20; Vùng cảnh quan sinh thái ven hồ Trị An; Vùng sản xuất nông nghiệp; Vùng lâm nghiệp phía Đông và Vùng lâm nghiệp phía Bắc.

H.Định Quán có tổng diện tích đất tự nhiên gần 97.288ha. Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, có một số diện tích đất chuyển đổi chưa đạt so với chỉ tiêu được duyệt như đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp, vật liệu xây dựng, thương mại dịch vụ... Đến cuối năm 2020, H.Định Quán còn 1.781ha đất nông nghiệp chưa chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.

Theo phương án quy hoạch sử dụng đất của H.Định Quán đến năm 2030, sẽ giảm 4.486ha đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đất ở.         

Tại cuộc họp, đa số các thành viên trong Hội đồng thẩm định thống nhất với phương án sử dụng đất của H.Định Quán trong giai đoạn 10 năm tới. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo, đơn vị tư vấn phối hợp với huyện và các sở ngành xem xét lại một số lĩnh vực được quy hoạch nhiều đất đai như: công nghiệp, đất ở để điều chỉnh cho phù hợp để khi quy hoạch được phê duyệt sẽ thuận lợi hơn cho việc triển khai các dự án.

* Tại buổi làm việc với Hội đồng thẩm định quy hoạch đất cấp huyện về quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Tân Phú giai đoạn 2021- 2030, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu huyện Tân Phú phải rà soát lại các dự án trên địa bàn xem nguyên nhân dẫn việc triển khai chậm là do đâu để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy nhanh tiến độ trong những năm tới. Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, huyện cần bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện để phân bổ quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả, sớm hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao..

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì cuộc họp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì cuộc họp thẩm định quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Tân Phú giai đoạn 2021- 2030

Được biết, tổng diện tích đất tự nhiên của H.Tân Phú là gần 77,5 ngàn ha. Trong giai đoạn 2011-2020, nhiều loại đất của huyện thực hiện chưa đạt so với chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp duyệt đến năm 2020 gần 71,7 ngàn ha, nhưng đến nay vẫn còn cao hơn chỉ tiêu gần 500ha. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thấp, nhiều dự án chưa được triển khai ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, H.Tân Phú quy hoạch 828 dự án với diện tích gần 3,6 ngàn ha, nhưng chỉ thực hiện xong được 190 dự án có diện tích hơn 311ha.

Theo quy hoạch sử dụng đất của H. Tân Phú, trong giai đoạn 2021- đến 2030, huyện sẽ chuyển đổi hơn 3,5 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án trên lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị. Trong đó, đất công nghiệp tăng 325ha, đất làm đường giao thông tăng thêm 1.456ha ngàn ha, đất thực hiện các công trình thủy lợi tăng 290ha, đất ở tăng gần 560ha…

Tại buổi làm việc, một số thành viên trong Hội đồng thẩm định cho rằng, H.Tân Phú nên làm rõ tại sao nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, nhiều dự án quy hoạch không triển khai được.

                                                                Hương Giang 

Tin xem nhiều