(ĐN)- Ngày 8-11, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh...
(ĐN)- Ngày 8-11, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh về thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016 - 2021; những đề xuất, kiến nghị về biên chế giai đoạn 2022 - 2026.
Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trao đổi tại buổi làm việc |
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và ngành GD-ĐT của tỉnh, hằng năm, Ban TVTU phê duyệt tổng biên chế đối với cơ quan khối Đảng, đoàn thể và HĐND tỉnh phê duyệt tổng biên chế công chức, số người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, các hội có tính chất đặc thù. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Tính đến ngày 30-6-2021, các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh đang quản lý 57.321 người.
Cùng với việc phê duyệt, phân bổ chỉ tiêu biên chế hằng năm, tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã hoàn thành lộ trình tinh giản biên chế công chức theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo theo quy định của Trung ương. Thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, trên cơ sở đó, các đơn vị thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ theo thẩm quyền.
Qua thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các văn bản, quy định của Trung ương, Đồng Nai luôn thực hiện kịp thời, đảm bảo yêu cầu và phù hợp thực tế địa phương. Tỉnh đã thí điểm một số mô hình mới về kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh phân công kiêm nhiệm công việc đối với chức danh cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; thực hiện tốt lộ trình tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị chưa mạnh dạn tinh giản biên chế những cán bộ, công chức, viên chức năng lực chuyên môn hạn chế, hiệu quả làm việc thấp. Việc tinh giản biên chế trong các cơ quan khối Đảng, đoàn thể và cơ quan hành chính tuy đạt mục tiêu nhưng phần lớn đối tượng giảm là cán bộ, công chức nghỉ hưu đúng tuổi và do cắt giảm biên chế.
Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và ở một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn, vì Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, đông công nhân lao động từ khắp các tỉnh, thành phố đến làm việc và sinh sống nên tăng dân số cơ học rất nhanh, dẫn đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công lập thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp là rất lớn, trong khi số lượng biên chế được giao ít nên khó đáp ứng yêu cầu công việc.
Tại buổi làm việc, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đề xuất, Đồng Nai là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông, nhiều thành phần dân tộc và tôn giáo. So với năm 2015, thì hiện nay dân số của tỉnh tăng thêm 300 ngàn người; nhiều phường có diện tích và quy mô dân số gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định, như: Trảng Dài, Long Bình (TP.Biên Hòa) có trên 100 ngàn dân. Mặt khác, tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia, phải huy động nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện các dự án (như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành); số lượng tổ chức Đảng và đảng viên đông (gần 86.600 đảng viên)… Do đó, Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù trong việc sử dụng cán bộ, công chức và giao biên chế phù hợp đặc điểm, tình hình từng đơn vị, địa phương.
Lãnh đạo Sở Nội vụ đề xuất một số vấn đề về biên chế của tỉnh |
Trung ương xem xét, hướng dẫn việc thực hiện giảm biên chế theo tỷ lệ quy định đối với các đơn vị sự nghiệp được giao định mức như: giáo dục - đào tạo, y tế, lao động - thương binh và xã hội, vì việc thực hiện tinh giản biên chế ở các ngành này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn quy định cụ thể định mức biên chế công chức trong từng ngành, lĩnh vực và điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, định mức kinh tế kỹ thuật, cổ phần hóa, xã hội hóa…, nhằm tạo thuận lợi và cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, tới đây Trung ương sẽ tiến hành tổng kết tình hình thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026. Công tác quản lý biên chế, tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm là những công việc khó, hết sức hệ trọng. Do đó, trước khi tổng kết, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tiến hành khảo sát một số đơn vị, địa phương để nắm bắt thực tế, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị xem xét, quyết định các chủ trương, nguyên tắc về quản lý biên chế, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách... của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Bộ Chính trị sẽ có kết luận về vấn đề này, nhưng không thể là mẫu số chung để giải được tất cả các bài toán ở từng địa phương, do đó trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, tỉnh có thể áp dụng những cách làm phù hợp địa phương, sát thực tiễn.
Phương Hằng