Sáng 6-9, các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp giao ban với các địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sáng 6-9, các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp giao ban với các địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Cùng dự cuộc họp có các đồng chí: Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, đại diện cán bộ tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại Đồng Nai.
* Tăng cường xét nghiệm cả ngày lẫn đêm
Theo BS Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 18-8 đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện kế hoạch xét nghiệm Covid-19 diện rộng và tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xét nghiệm bổ sung đến ngày 15-9.
Tính từ ngày 18-8 đến ngày 4-9, toàn tỉnh đã có trên 3,6 triệu lượt người được xét nghiệm Covid-19. Thông qua xét nghiệm diện rộng đã ghi nhận gần 5,6 ngàn ca nhiễm Covid-19. Đặc biệt, qua đó còn phát hiện một số ổ dịch mới phát sinh là Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Viện pháp y tâm thần, Trại giam B5 (243 ca).
Tuy nhiên, BS Bạch Thái Bình cũng nhận định, từ nay đến ngày 15-9, số ca nhiễm vẫn ở mức cao. Bởi, đây là khoảng thời gian các địa phương tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng bổ sung; các ổ dịch lớn với nhiều ca nhiễm chủ yếu trong các khu nhà trọ khó kiểm soát và khống chế lây lan.
Bên cạnh đó, nguồn lây phát tán từ các ổ dịch trong và ngoài tỉnh vẫn không thể làm sạch. Vì vậy, trong thời gian tới, có khả năng vẫn tiếp tục xuất hiện các ổ dịch mới rải rác ở các địa phương. Đồng thời, nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch mới tại các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, các bệnh viện, cơ quan, đơn vị đang hoạt động.
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
TS-BS Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai cho rằng, Kế hoạch 9722 của UBND tỉnh về xét nghiệm Covid-19 diện rộng để chủ động phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch 9722) là kế hoạch lớn của tỉnh với mục tiêu bóc tách F0 khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp khá nhiều khó khăn, dẫn đến chưa đạt mục tiêu đề ra. Muốn đạt được mục tiêu bóc tách F0 sớm, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Xét nghiệm thần tốc, nhưng 5, 7 ngày mới có kết quả là quá chậm, vì trong thời gian này đã diễn ra 2 chu kỳ lây lan.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 7 cá nhân trong Tổ công tác của Bộ Y tế nhằm ghi nhận những thành tích trong công tác hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng chống dịch Covid-19 |
Để giảm ca nhiễm Covid-19, theo TS-BS Nguyễn Đức Sơn, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, sớm phát hiện F0, xử lý ổ dịch, cần có hướng dẫn và thực hiện nghiêm việc cách ly, giãn cách tại các khu cách ly, phong tỏa để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
Qua theo dõi số ca nhiễm những ngày gần đây cho thấy, phần lớn số ca nhiễm mới phát sinh tại các ổ dịch ở các khu nhà trọ có đông công nhân lao động. Do đó, sau khi tầm soát, những khu vực nhà trọ có ca nhiễm, tỉnh cần tính toán việc giãn cách người dân tại các khu nhà trọ. Đối với các khu nhà trọ không có ca nhiễm cần có biện pháp bảo vệ, thực hiện các biện pháp 5K; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe.
Trước các ý kiến phản ánh, đề xuất tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương nỗ lực tăng tốc xét nghiệm trong 10 ngày tới nhằm phát hiện ca nhiễm, khoanh vùng dập dịch, hạn chế phát sinh F0 trong cộng đồng. Để làm được điều này, các địa phương, đơn vị cần thay đổi cách làm, nếu xét nghiệm ban ngày không kịp thì tranh thủ xét nghiệm ban đêm làm sao để chặn được dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh.
Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng thì cho biết, nếu các địa phương cần rà soát, tính toán lại nhân lực và nếu bố trí được lực lượng làm việc thêm giờ vào ban đêm, UBND tỉnh sẽ đề xuất có chế độ bồi dưỡng làm thêm giờ nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.
* Phấn đấu tiêm trên 100 ngàn mũi vaccine/ngày
Theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 960 ngàn người được tiêm ngừa vaccine Copvid-19 (đạt tỷ lệ 42,6% đối tượng trên 18 tuổi), trong đó có trên 62 ngàn người tiêm đủ 2 mũi. Riêng đợt tiêm chủng số 7 từ ngày 1-9 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai tiêm trên 175 ngàn liều (đạt 25,5% theo kế hoạch đợt 7).
Để thực hiện được định hướng đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại dựa vào miễn dịch từ viêm vaccine, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ đề xuất, để đạt được mục tiêu từ nay đến ngày 15-9 hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, tỉnh cần có chính sách khuyến khích người dân, nhất là công nhân lao động phải hoàn thành 1 mũi tiêm đầu tiên ngừa Covid-19 trước ngày 15-9 mới được đi làm bình thường trở lại.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huy Anh |
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết thêm, sau khi tiếp nhận 500 ngàn liều vaccine Sinopham, dự kiến tới đây, Đồng Nai sẽ tiếp nhận thêm 500 ngàn liều vaccine Sinopham. Đây là loại vaccine an toàn, có hiệu quả trên 70%, đặc biệt từ khi triển khai tiêm vaccine này trên 60 ngàn trường hợp trên địa bàn tỉnh không xảy ra phản ứng nặng so với các loại vaccine khác.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, thời gian qua, vấn đề nhập liệu đã từng bước được khắc phục nhưng vấn đề nhập liệu vẫn còn chậm. Để khắc phục việc nhập liệu, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của sổ sức khỏe điện tử, cài đặt sổ sức khỏe điện tử và tiến hành khai thông tin trên sổ sức khỏe điện tử nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, một số địa phương các địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho TS.BS Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh |
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng là phấn đấu đến ngày 15-9 có 100% người đủ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1. Vì vậy, đề nghị ngành y tế nhận bao nhiêu vaccine, nhất là vaccine Sinopham triển khai tiêm hết bấy nhiêu. Đồng thời, Sở Y tế xây dựng kế hoạch huy động hết nguồn nhân lực đã được tập huấn, bồi dưỡng tham gia chiến dịch tiêm chủng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã triển khai tiêm 82 ngàn mũi vaccine/ngày là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, từ nay đến ngay 15-9 phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng lên trên 100 ngàn mũi vaccine/ngày nhằm đảm bảo cho việc trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian tới.
Nga Sơn