(ĐN) - Chiều 1-9, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất báo tin vui, 1 trong 2 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nguy kịch, phải đặt ECMO (máy tim, phổi nhân tạo) đã cai được máy. Bệnh nhân còn lại đang được lọc máu, đặt ECMO và thở máy ngày thứ 8 cũng có những dấu hiệu tiến triển tốt.
(ĐN) - Chiều 1-9, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất báo tin vui, 1 trong 2 bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nguy kịch, phải đặt ECMO (máy tim, phổi nhân tạo) đã cai được máy. Bệnh nhân còn lại đang được lọc máu, đặt ECMO và thở máy ngày thứ 8 cũng có những dấu hiệu tiến triển tốt.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. |
Cụ thể, bệnh nhân đã cai được ECMO là N.T.V., nữ, sinh năm 2002, ngụ xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch, nhập viện ngày 4-8 tại khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân mang thai ở tuần thứ 30, sốt, ho, khó thở. Trước đó, nhập viện điều trị tại Trung tâm y tế H.Nhơn Trạch, test Covid-19 cho kết quả dương tính. Tình trạng bệnh nhân khó thở tăng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Đến ngày 6-8, tình trạng khó thở của bệnh nhân tăng dần, không đáp ứng với oxy mask túi, được chuyển đến khoa hồi sức tích cực Covid-19. Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi mức độ nguy kịch do SARS-CoV-2 bội nhiễm.
Đến ngày 12-8, tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu, thở co kéo, được đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, an thần giãn cơ. Bệnh nhân được mổ lấy thai, sau đó được đặt ECMO, lọc máu liên tục. Từ ngày 12-8 đến 31-8, bệnh nhân được tiến hành can thiệp ECMO, thở máy, siêu lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh, thuốc kháng đông, kháng viêm, truyền các chế phẩm máu, nội soi phế quản, tập vật lý trị liệu, dinh dưỡng hỗ trợ.
Đến ngày 31-8, bệnh nhân đã được ngưng can thiệp ECMO. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thở máy qua nội khí quản, sinh hiệu ổn định.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được Bộ Y tế lựa chọn là nơi để thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Nai. PGS-TS.Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương được giao nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực. Đến nay, Trung tâm đã thiết lập được 220 giường ICU với đầy đủ các trang thiết bị máy móc cần thiết như máy thở, máy theo dõi bơm tiêm điện và các thiết bị đi kèm, máy X-Quang, máy xét nghiệm Xpert Express, hệ thống oxy công suất cao…
Để giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, các bác sĩ cho hay, không thể chỉ tập trung vào điều trị hồi sức tích cực, mà ngay từ ban đầu phải phân tầng phù hợp và điều trị hiệu quả ở cả 3 tầng điều trị, nếu điều trị tốt ở tầng 1 và tầng 2 sẽ giảm được nguy cơ chuyển bệnh nhân lên tầng 3, giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Đến sáng 1-9, toàn tỉnh có 13.834 bệnh nhân Covid-19 đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị. Trong đó có 395 bệnh nhân có bệnh nền, 37 ca bệnh diễn tiến nguy kịch (suy hô hấp cấp tiến triển, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng…), 233 ca bệnh có diễn tiến nặng (viêm phổi nặng), 316 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Tổng số giường cách ly, theo dõi F0 không có triệu chứng do các huyện, thành phố quản lý (tầng 1 của tháp điều trị) là 13.780 giường (hiện còn trống hơn 7,6 ngàn giường); tổng số giường tại các bệnh viện dã chiến (tầng 2) là 6.251 giường (còn trống hơn 1,6 ngàn giường); số giường hồi sức tích cực (tầng 3) là 375 giường (trống 154 giường).
Hạnh Dung