Sáng 12-7, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dich Covid-19. Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an.
[links()]Sáng 12-7, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dich Covid-19. Tham dự có lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tai buổi làm việc |
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Chính phủ có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy.
* Dịch bệnh lây nhiễm phức tạp, khó lường
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Dịch bệnh đã lây nhiễm thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Nguồn lây nhiễm có xu hướng chuyển dịch từ những người về từ các ổ dịch ở TP.HCM, Bình Dương sang người ở trong tỉnh vốn là F1, F2, F3, nay thành F0. Đặc biệt, xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Do lây nhiễm chủ yếu thông qua các chợ nên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện các ổ dịch lây nhiễm thứ phát vào các khu nhà trọ công nhân và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đã ghi nhận một số ca dương tính ở các doanh nghiệp có quy mô lớn, số lượng lao động đông từ 10 ngàn - 20 ngàn lao động ở TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Nhiều khu nhà trọ công nhân ở H.Nhơn Trạch và các địa phương khác đã có các ổ dịch lây nhiễm thứ phát. Nguy cơ dịch lây lan trong các khu nhà trọ công nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất cao.
Về công tác điều trị, tỉnh đã chuẩn bị 100 giường điều trị bệnh nhân nặng đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tỉnh đang tiếp tục mở rộng các khu điều trị, bệnh viện dã chiến với tổng công suất 1,5 ngàn giường bệnh để điều trị cho các ca F0.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc |
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh vì không biết hiện có bao nhiêu F0 trong cộng đồng. Nhiều F0 không có triệu chứng, khó phát hiện. Trong vòng 2 ngày nữa, nếu số ca F0 trên địa bàn TP.Biên Hòa tiếp tục tăng cao, tỉnh phải tính đến phương án quyết liệt hơn nữa để tập trung dập dịch! Các địa phương khác cũng tùy diễn biến dịch bệnh để xử lý phù hợp.
Điều đáng lo nhất hiện nay là đã xuất hiện một số ổ dịch ở gần các khu công nghiệp và trong doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Tỉnh đã và đang triển khai để các chủ doanh nghiệp chủ động làm xét nghiệm cho công nhân trong công ty, khu nhà trọ. Doanh nghiệp nào có ca nhiễm sẽ khoanh vùng ngay lập tức để xử lý. Đồng thời, tính toán các phương án để duy trì sản xuất. Trường hợp dịch bệnh phức tạp quá sẽ tính đến giải pháp các nhà máy phải giảm công suất. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của tỉnh là phòng chống dịch Covid-19. Nếu để dịch lan rộng trong các nhà máy, xí nghiệp, hậu quả sẽ rất nặng nề vì khả năng chống đỡ có hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng kiến nghị với Bộ Y tế cử đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm hỗ trợ Đồng Nai thiết lập đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, huấn luyện sử dụng máy ECMO tại chỗ và các phương tiện hồi sức cấp cứu; cử đội ngũ y tế các địa phương khác đến hỗ trợ Đồng Nai khi cần thiết để kiểm soát và dập dịch; hỗ trợ tranh thiết bị máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nhất là máy ECMO, máy thở…
Tỉnh cũng cần có 1 trung tâm xét nghiệm để nâng cao công suất xét nghiệm Covid-19. Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế sớm ưu tiên phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho Đồng Nai vì tình hình dịch bệnh của tỉnh hiện đang khá phức tạp, tỉnh lại có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh với đoàn công tác |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Đồng Nai sẽ lên kế hoạch, tính đến phương án xấu nhất của dịch bệnh Covid-19 để chuẩn bị ứng phó. Khẩn trương khoanh vùng, xét nghiệm ở tất cả chợ loại 1, loại 2, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong toàn tỉnh.
Về mua sắm sinh phẩm, máy móc, tỉnh Đồng Nai có tiền để mua nhưng gặp khó trong công tác đấu thầu, thời gian kéo dài nên kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Tỉnh sẽ kiểm soát chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh.
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để vừa đảm bảo công tác sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch. Tỉnh cần chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, cần có kịch bản khi có đến 5 ngàn ca F0.
Tăng cường sử dụng lực lượng phản ứng nhanh trong điều tra, truy vết, trong đó có lực lượng công an. Cho phép áp dụng các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật để truy vết các F0, xác định rõ lịch trình di chuyển, quan hệ tiếp xúc của các ca nhiễm. Lưu ý vấn đề an ninh mạng, tuyên truyền để tránh tâm lý hoang mang trong công nhân lao động.
* Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 16
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai phải bằng mọi cách thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Có phương án ứng phó ở mức độ cao hơn, áp dụng các biện pháp mạnh hơn.
GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc |
Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, nghiêm ngặt không chỉ ở khu công nghiệp mà cả người vào Đồng Nai từ các địa phương khác, nhất là TP.HCM, Bình Dương. Từng huyện, từng xã phải kiểm chặt trong, chặt ngoài theo tinh thần ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, thôn xóm cách ly thôn xóm, xã cách ly với xã, huyện cách ly với xã. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu ở tất cả các khâu để tránh bỏ sót ca bệnh; áp dụng công nghệ thông tin để điều tra, truy vết; kiểm soát chặt các phương tiện giao thông vận tải.
Tỉnh cần tập trung lực lượng, chia ca kíp, nhất là nhân viên y tế để “chiến đấu” lâu dài. Phải đảm bảo chế độ chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, từ y tế đến công an, quân đội và các lực lượng khác.
Đặc biệt, chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân, người lao động, đảm bảo không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu cần thiết, nhất là các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ các đối tượng khó khăn, yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là vấn đề rất quan trọng vì an sinh gắn với an ninh trật tự.
Khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhất là người nghèo, yếu thế.
Về vấn đề xét nghiệm, cố gắng trả kết quả nhanh để kịp thời phát hiện các ca F0. Công tác tổ chức xét nghiệm tuyệt đối không để tập trung đông người để tránh lây chéo, tính toán phương án, có khi xuống tận nhà dân để làm xét nghiệm. Chú ý xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để truy vết nhanh, lưu ý khu vực đang có dịch, khu nhà trọ, khu công nghiệp, đảm bảo lực lượng y tế không quá tải.
Lãnh đạo cơ quan, ban ngành tham dự buổi làm việc |
Triển khai cách ly F1 tại nhà nếu đảm bảo các điều kiện cần thiết, gia đình trường hợp F1 phải nâng cao ý thức tự giác, có sự giám sát của cộng đồng, tổ dân phố. Phường, xã nào có đủ điều kiện cách ly thì thực hiện cách ly F1 ở tại phường, xã, tận dụng những khu tái định cư chưa sử dụng, trường học, không để lây chéo trong khu cách ly F1, đảm bảo giãn cách.
Về công tác điều trị, dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng cao, do đó, tỉnh phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ công tác điều trị, phân loại nguy cơ, dự báo tình huống xấu nhất để ứng phó.
Bộ Y tế đánh giá, rút kinh nghiệm liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân, phân loại cấp độ điều trị, tránh dồn bệnh nhân lên tuyến trên.
Đối với khu vực sản xuất, nếu đủ điều kiện thì cho phép hoạt động, không đủ điều kiện thì kiên quyết tạm dừng sản xuất. Tạo điều kiện tối đa để công nhân ăn, nghỉ trong nhà máy.
Về lưu thông hàng hóa, tỉnh cần có phương án để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu tư, sản xuất, lưu thông, nhất là các mặt hàng nông sản. Tăng tốc xét nghiệm cho các tiểu thương, trả kết quả sớm; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến; phát huy vai trò của các Tổ Covid cộng đồng, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái trong thời điểm khó khăn.
Về vaccine, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường phân bổ vaccine cho Đồng Nai khi vaccine về nhiều hơn trong tháng 8, tháng 9. Chính phủ giao Bộ Y tế xem xét giải quyết kiến nghị bổ sung trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác điều trị bệnh nặng cho tỉnh Đồng Nai.
“Tỉnh Đồng Nai cần quyết liệt phòng dịch, sẵn sàng mọi phương án để sớm kiểm soát dịch bệnh, phân công cụ thể từng đồng chí lãnh đạo tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, đến sáng 12-7, Đồng Nai đã có 399 ca nhiễm Covid-19. Những ngày tới trên địa bàn TP.Biên Hòa sẽ còn nhiều ca F0 và rất nhiều F1. Tỉnh cần 1 tháng để có thể dập dịch. Tuy nhiên, nếu không thể đưa các F1 đi cách ly tập trung và không sớm có vaccine thì công tác dập dịch sẽ rất khó khăn. |
Bài: Hạnh Dung, Ảnh: Huy Anh