(ĐN) - Sáng ngày 8-7, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, triển khai sản xuất vụ thu đông năm 2021 tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ.
* Cần số hóa dữ liệu để hướng đến một nền sản xuất minh bạch
(ĐN) - Sáng ngày 8-7, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, triển khai sản xuất vụ thu đông năm 2021 tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Theo Bộ NN-PTNT, mùa mưa năm nay đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước nên thuận lợi cho sản xuất lúa vụ hè thu 2021. Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ hè thu 2021 đạt gần 1,6 triệu ha, giảm 11 nghìn ha so với vụ năm ngoái.
Diện tích lúa vụ hè thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nhờ năng suất bình quân tăng thêm 1,14 tạ/ha, nên bù đắp được sản lượng thiếu hụt do giảm diện tích và tăng 120 ngàn tấn so với hè thu năm 2020. Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu.
Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ nông sản biến động do diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, giá giảm mạnh, người sản xuất từ hòa vốn đến thua lỗ. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ máy cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư càng gây khó khăn cho nông dân.
Định hướng cho vụ thu đông tới, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông, nhất là quan tâm bố trí thời vụ xuống giống phù hợp để không ảnh hưởng đến mùa vụ tới. Kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gieo sạ 700 ngàn ha, sản lượng ước đạt 3.864 ngàn tấn. Vụ Mùa 2021, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 265 ngàn ha, sản lượng ước đạt 1.314 ngàn tấn, tăng 71 ngàn tấn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương phải tính đến giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp ở phía Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long để người dân không bỏ ruộng đi làm ở các khu công nghiệp vì dù có làm 3 vụ lúa/năm thu nhập vẫn thấp. Trong bối cảnh giá phân, giá thuốc tăng chóng mặt như vừa qua, nền nông nghiệp phải quy hoạch lại, tự chủ được khâu đầu vào từ giống, phân, thuốc... để không còn quá lệ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, những mô hình tôm – lúa, cá – lúa hay thay vụ lúa bằng vụ tôm, vụ cá cũng cần chia sẻ, nhân rộng để có tư duy tích hợp trong sản xuất, từ đó đem lại hiệu quả sản xuất, giảm áp lực tiêu thụ một sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra rằng, mã số vùng trồng sẽ tích hợp được thông tin mùa vụ. Qua đó, có thể số hóa dữ liệu để hướng đến một nền sản xuất minh bạch từ đầu vào đến đầu ra. Tư duy của các địa phương hiện chỉ mới thống kê con số, cần phải làm chủ, phân tích các con số đó để đưa ra định hướng, khuyến cáo trong sản xuất.
Bình Nguyên