Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, tạo môi trường an toàn để phát triển kinh tế - xã hội

01:07, 15/07/2021

(ĐN)- Ngày 15-7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành khu vực phía Nam về công tác phòng, chống dịch covid-19.

(ĐN)- Ngày 15-7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành khu vực phía Nam về công tác phòng, chống dịch covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyệt Hà)

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có các đồng chí: Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

* Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến sáng 15-7, thế giới ghi nhận trên 188 triệu ca mắc covid-19, trên 4 triệu ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc mới trên thế giới tăng 14%; khu vực Đông Nam á dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng tại 8/11 quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh, thành phải giữ cho sạch vùng xanh an toàn trên bản đồ Covid-19; pPhải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ. Tập trung giải quyết cho bằng được việc lưu thông hàng hóa, trong đó cần thống kê toàn bộ danh sách các lái xe đường dài, tập trung chích vaccine ngay cho lực lượng này để bảo đảm vận tải lưu thông hàng hóa. Bộ Y tế phải thống nhất với các tỉnh, thành về thời hạn phiếu xét nghiệm. Phó thủ tướng đề nghị, về ý kiến mở lại các chợ truyền thống, các chợ đầu mối phải cân đối hài hòa, thận trọng theo hướng bảo đảm an toàn.

Việt Nam đã ghi nhận trên 37,4 ngàn ca mắc, trong đó có trên 35,4 ngàn ca trong nước; 10.582 người được chữa khỏi bệnh và 135 ca tử vong. Riêng đợt dịch thứ tư đã ghi nhận hơn 34,5 ngàn ca, trong đó có 33.909 ca trong nước (98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (22%), 100 ca tử vong…

Trong tuần, cả nước ghi nhận thêm 8.187 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố. Các tỉnh có số ca mắc tăng cao so tuần trước là TP.Hồ Chí Minh (tăng 6.338 ca), Bình Dương (458 ca), Tiền Giang (280 ca), Đồng Nai (222 ca), Đồng Tháp (161 ca)…

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch covid-19 nhận định, dịch bệnh trên thế giới đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại nhiều khu vực. Trong đó, đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn (ngoài biến chủng Delta đang lây lan ra hơn 100 quốc gia, biến chủng Lambda chiếm hơn 82% số ca mắc Covid 19 mới ở Peru trong tháng 5 và tháng 6). Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả các quốc gia đã đạt độ bao phủ tiêm chủng cao.

TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục gia tăng. Trong tuần đầu tháng 6, ghi nhận trung bình 300 ca mỗi ngày, thì trong tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7 ghi nhận trung bình 1 ngàn ca mỗi ngày và những ngày gần đây đã ghi nhận trên 2 ngàn ca mắc mới mỗi ngày….

Phong tỏa cách ly chợ Biên Hòa.
Phong tỏa cách ly chợ Biên Hòa (Ảnh tư liệu)

Nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai cũng tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới, do dịch đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định nguồn lây; nhiều người đã di chuyển đi/đến TP.Hồ Chí Minh trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện…

* Đồng Nai ở mức nguy cơ cao…

Đến sáng 15-7, tỉnh Đồng Nai ghi nhận tổng số 689 ca mắc Covid-19, số điều trị là 478 ca, 32 ca đã khỏi bệnh và 2 ca tử vong. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, trong 3 ngày gần đây, tốc độ các ca nhiễm tăng nhanh từ 40 ca (13-7) lên 65 ca (14-7) và 177 ca sáng nay.

Lãnh đạo tỉnh dự báo, hiện nay dịch bệnh đã lây thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh, nguồn lây nhiễm có xu hướng chuyển dịch từ những người về ở các ổ dịch TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương sang, nên người trong tỉnh vốn là F1, F2, F3 nay thành F0.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Do lây nhiễm chủ yếu thông qua các chợ nên tình hình dịch diễn biến phức tạp. Tỉnh đã ghi nhận nhiều ca dương tính ở các KCN: Long Bình, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2.

Một số doanh nghiệp ngoài KCN có quy mô lớn như: Công ty Pouchen, Changshin đã xuất hiện nhiều ca mắc covid-19. Nhiều khu nhà trọ công nhân ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và các địa phương khác đã có ổ dịch lây nhiễm thứ phát. Nguy cơ bùng phát dịch, lây lan rộng trong các khu chợ, khu nhà trọ công nhân, các cơ sở sản xuất trong và ngoài KCN là rất cao.

Tỉnh cũng đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7 để dập dịch; đã thiết lập 60 vùng cách ly y tế tại các khu vực có ca bệnh, gồm 82.609 hộ dân với hơn 362,6 ngàn nhân khẩu. Tiến hành điều tra, truy vết thần tốc các ca F0, F1, F2 phát hiện qua tầm soát, xét nghiệm diện rộng. Hiện tỉnh đang cách ly tập trung 1.801 ca F1; cách ly tại nhà trên 9,4 ngàn ca F2 và theo dõi sức khỏe tại nhà hơn 1,4 ngàn trường hợp.

Cập nhật đến 12h (Nguồn số liệu từ báo cáo của UBND TP. Biên Hòa, VNPT Đồng Nai đồ họa)
Cập nhật đến 12h (Nguồn số liệu từ báo cáo của UBND TP. Biên Hòa, VNPT Đồng Nai đồ họa)

Đồng Nai đã thiết lập 23 chốt kiểm soát, trong đó có 21 chốt đường bộ, 2 chốt đường thủy tại các cửa ngõ ra vào tỉnh. Đã kiểm tra 3 đợt ở 248 cơ sở; thành lập 121 tổ kiểm tra phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp và hơn 1,6 ngàn doanh nghiệp được kiểm tra, hướng dẫn trong tháng 6 và tháng 7-2021. Đã có trên 98 ngàn lao động được xét nghiệm.

Thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (ăn ở tại chỗ, làm việc tại chỗ; phòng, chống dịch tại chỗ), hiện tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp đã bố trí cho người lao động ăn, ở, làm việc tại doanh nghiệp để thực hiện “3 tại chỗ”, đảm bảo an toàn chuỗi sản xuất, không đứt gãy đơn hàng.

Công tác chăm lo đời sống người dân được đảm bảo. Do các chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch, tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương tăng lượng hàng hóa vào các siêu thị, cùng các xe hàng lưu động đến các nơi, nhất là khu vực phong tỏa để cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ đời sống, thực hiện tốt an sinh xã hội và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.

Tỉnh đã triển khai “Bản đồ covid tỉnh Đồng Nai”, cập nhật hằng ngày, đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh covid-19 trên địa bàn. Xếp loại cả tỉnh hiện đang ở mức “Nguy cơ cao”.

Ngoài 3 phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép và 1 phòng xét nghiệm sàng lọc, hiện tỉnh đang chuẩn bị triển khai thêm 3 phòng xét nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định vi rút SARS-CoV-2, nâng công suất xét nghiệm lên 8,2 ngàn mẫu đơn, tương đương 41 ngàn mẫu gộp/ngày.

Tỉnh đã triển khai 3 bệnh viện dã chiến với quy mô 2 ngàn giường và đã chuẩn bị mở rộng để đạt quy mô 5 ngàn giường, sẵn sàng xử lý khi dịch bùng phát mạnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để cách ly, điều trị bệnh nhân; hướng dẫn các doanh nghiệp phần mềm ứng dụng CNTT tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và hiện đã có trên 2 ngàn doanh nghiệp tự đánh giá, không có doanh nghiệp nào ở mức nguy cơ cao và rất cao. Tăng cường kiểm tra, rà soát và bổ sung 20 tổ công tác đặc nhiệm tại một số khu vực trọng điểm phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là có nguy cơ cao dịch bệnh lây lan từ các ổ dịch bên ngoài như các khu chợ, khu nhà trọ công nhân, khu dân cư vào các KCN. Trong khi đó, một lượng lớn các doanh nghiệp và người dân đã đăng ký tiêm vaccine phòng covid-19 nhưng chưa có.

Các y, bác sĩ Đồng Nai làm việc cận lực trên tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Các nhân viên y tế làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, công nhân trên địa bàn xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu (Ảnh: H.Dung)
Các y, bác sĩ Đồng Nai làm việc cận lực trên tuyến đầu chống dịch. Trong ảnh: Các nhân viên y tế làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và công nhân trên địa bàn xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu (Ảnh: H.Dung)

“Đồng Nai kiến nghị với Bộ Y tế và Chính phủ cung cấp thêm cho tỉnh một trung tâm xét nghiệm và thiết bị để nếu dịch tăng cao sẽ thực hiện được việc truy vết, xét nghiệm nhanh và phải nhanh hơn so với tốc độ lây lan của dịch mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, chú ý đưa vaccine về cho Đồng Nai để chích cho các đối tượng ưu tiên, các vùng nguy cơ cao, đảm bảo phòng, chống dịch. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng khi vaccine về sẽ thực hiện bảo đảm an toàn, đúng quy định” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, sát thực tế…

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương bên cạnh việc triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, rất cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các tỉnh ven TP.Hồ Chí Minh cần thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành để thực hiện vận chuyển tốt hàng hóa thiết yếu, nông sản thực phẩm phục vụ TP.Hồ Chí Minh và những vùng dịch trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung kiến nghị Chính phủ và các địa phương chỉ cho sản xuất kinh doanh đối với những doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống covid-19 cho công nhân lao động; những doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Kiên quyết dừng đối với những doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn. Các địa phương dự trù phương án có thể phải đón lao động trở về trong tình trang phải ngưng sản xuất ở phạm vi lớn để phòng dịch, tránh để xảy ra tranh chấp lao động. Phải ưu tiên chích vaccine cho những lao động tự do, lao động KCN, khu chế xuất, lao động chủ lực địa phương, người vận chuyển, lưu thông hàng hóa, lương thực thực phẩm…

Đối với những tỉnh, thành có nhiều KCN nên có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp, HTX sản xuất các mặt hàng thiết yếu, thuốc men, có thể thực hiện được phương châm “3 tại chỗ” để cung ứng, hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá để hỗ trợ lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân.

Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, để giải quyết giao thông và lưu thông hàng hóa thuận lợi, các địa phương nên thiết lập các "luồng xanh" của quốc gia và của các địa phương để phục vụ vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng nông sản, thực phẩm tươi sống phục vụ nhân dân, nhất là khu vực phong tỏa, giãn cách và giải quyết ùn ứ các khu vực kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin trên các trang mạng xã hội, thông tin báo chí gây hoang mang về dịch. Bởi, theo Bộ trưởng, hiện thông tin báo chí gây hoang mang dư luận còn mức cao trên 20%; Bộ đang nỗ lực và đã gửi mẫu thông tin báo chí qua các Sở Thông tin và truyền thông để hạn chế và giảm thông tin về dịch gây hoang mang xuống dưới 10%...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến của các bộ ngành và đặc biệt là những ý kiến đóng góp của các địa phương. Thủ tướng biểu dương TP.HCM, các địa phương, các bộ, ngành thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, các bộ, ngành trung ương, các địa phương nghiên cứu, nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục hạn chế, tập trung nhiều giải pháp thiết thực phòng dịch. Trong đó, phải tập trung các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo sát thực tế hơn, hiệu quả hơn và nghiêm túc hơn trong phòng dịch để từ đó phát hiện, truy vết bằng được các ổ dịch trong cộng đồng, phát hiện các nguồn lây để khống chế, khoanh vùng, dập dịch.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và nhu yếu phẩm thiết yếu. Tập trung cứu chữa bệnh nhân; đảm bảo an ninh, an toàn; kiểm soát chặt chẽ biên giới, khu cách ly, phong tỏa. Nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường…

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tạo ổn định theo phương châm nhất quán “chống dịch như chống giặc” và chuyển trạng thái “từ phòng ngự sang tấn công ngăn dịch, dập dịch”. Trong đó, phải lấy phòng dịch là chiến lược, cơ bản, lâu dài. Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng các giải pháp sáng tạo các tỉnh để phòng, chống dịch. Hơn lúc nào hết, hiện nay phải xác định chống dịch là ưu tiên số 1, là quan trọng nhất, nhưng không bỏ qua cơ hội theo hướng chỉ những nơi nào an toàn, đủ điều kiện mới được sản xuất - kinh doanh…

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều