(ĐN)- Sáng 30-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch Covid-19...
(ĐN)- Sáng 30-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Dương Giang-TTXVN) |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng...
Báo cáo với Thủ tướng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện rất phức tạp. Công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 của tỉnh đạt 6 ngàn mẫu đơn/ngày, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Tổng số giường điều trị Covid-19 là 4.280 giường, đang tiếp tục triển khai thêm 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 2 ngàn giường bệnh. Tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng công suất điều trị các ca bệnh nặng Covid-19 nặng.
Tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ đến hết ngày 15-8, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh.
Đồng Nai kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ cho tỉnh mượn một số máy xét nghiệm PCR; hỗ trợ cả nhân lực và trang thiết bị để Đồng Nai vận hành khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng quy mô 380 giường tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện chỉ có hơn 1 ngàn doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số 130 ngàn công nhân lao động. Còn lại, có rất nhiều người lao động đang phải tạm ngưng việc làm, có nhu cầu về quê. Tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương trong cả nước phối hợp tiếp nhận số công nhân này, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất lúc này là phải đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu, các lực lượng liên quan đã phối hợp, hỗ trợ cùng Chính phủ nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” trong thời gian qua. Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt công tác phòng dịch, vẫn còn có những địa phương làm chưa tốt. Khâu tổ chức thực hiện, chuẩn bị “4 tại chỗ” có lúc, có nơi chưa đạt hiệu quả, còn trì trệ, có biểu hiện của sự lơ là, mất cảnh giác, nhất là khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua. Vẫn còn tình trạng mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, bị động, mất kiên trì, kiên định khi dịch bệnh bùng phát.
Ngoài ra, một bộ phận người dân nhận thức về sự lây lan của dịch bệnh chưa tốt, ý thức chấp hành các quy định phòng dịch chưa nghiêm. Một số địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 còn chập chờn. Người dân vẫn đi lại bình thường, vẫn tụ tập, giao lưu…, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Những hạn chế này cần nhanh chóng được khắc phục để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, Tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, đặc biệt là người dân. Phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp.
Chính quyền các cấp phải tập trung các giải pháp nhất quán, cương quyết giám sát, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp này từ trên xuống dưới với tinh thần “Mỗi cơ sở là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ” trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19. Việc thực hiện giãn cách phải làm nghiêm, ai ở đâu thì ở yên đó. Phải rất linh hoạt để đảm bảo các điều kiện thiết yếu của người dân.
Khi tình hình dịch bệnh phức tạp phải nhanh chóng phân loại, có sự phân tầng điều trị, tập trung lực lượng y tế để cứu chữa cho người bệnh nặng, giảm tối đa tử vong, không để thiếu nhân lực, trang thiết bị cần thiết, nhất là oxy, máy thở.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai |
Thủ tướng nói, sắp tới đây, tình hình dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Do đó phải thực hiện các biện pháp nghiêm túc, quyết liệt, triệt để. Cần phát triển kinh tế xã hội để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, an toàn. Tuy nhiên, ưu tiên số 1 hiện nay là chống dịch. Có kiểm soát dịch bệnh mới phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền cần tận dụng tối đa khả năng để phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn để sản xuất, và sản xuất phải an toàn.
Mục tiêu là dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế xã hội và khủng hoảng truyền thông. Cần xác định Covid-19 là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc chữa để có chiến lược thích ứng với tình hình dịch bệnh. Cuộc chiến này dự báo còn lâu dài nên phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để đối phó, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Lấy phòng bệnh là cơ bản, cộng với vaccine, ý thức của người dân và công nghệ để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư và các cấp lãnh đạo liên quan. Các Bộ, ngành địa phương dựa vào chức năng nhiệm vụ của mình để thực hiện cho tốt. Vừa thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thực hiện phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Các cấp chính quyền đã làm phải cương quyết, phải đúng quy định, đúng trọng tâm, trọng điểm. Khi cách ly, giãn cách cần lưu ý hỗ trợ tối đa cho người dân khi bị cách ly, phong tỏa về lương thực, thực phẩm và nhu cầu thiết yếu, không để cho dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân phải được đáp ứng.
Riêng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai cần có giải pháp giảm tối đa số ca tử vong, kiềm chế dịch bệnh.
Thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, tổ Covid cộng đồng, người cao tuổi, tình nguyện viên..., còn lưu ý đối tượng phục vụ sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Chính phủ kêu gọi sự chia sẻ của các tỉnh, thành trong cả nước để ưu tiên vaccine cho TP.HCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai trong thời điểm này.
Đẩy mạnh hơn nữa chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, kết hợp công – tư để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất. Tổ chức tiêm vaccine kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí thời gian, lãng phí vaccine.
Phải tập trung các biện pháp rút gọn thủ tục hành chính để nghiên cứu chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Nghiên cứu sản xuất thuốc, nhập thuốc để phục vụ điều trị bệnh Covid-19. Hoàn thiện công nghệ để góp phần phòng chống dịch Covid-19.
Xem xét phân bổ nguồn lực để cân đối, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở; tạo điều kiện nâng cấp, đào tạo cán bộ y tế ở các chuyên khoa khác để đảm bảo hồi sức cấp cứu, không để khủng hoảng nhân lực bác sĩ cấp cứu.
Tăng cường giường hồi sức cấp cứu với công suất cao hơn ở những địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp. Tăng cường hơn nữa nguồn lực y tế tư nhân, khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp để phòng, chống dịch bệnh, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị. Động viên, bảo đảm điều kiện làm việc cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, kỹ thuật viên để chiến đấu lâu dài; nghiên cứu hỗ trợ người lao động tự do, người lao động mất việc làm.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chống dịch trên tinh thần của một nước đang phát triển để cân đối nguồn lực, đưa ra giải pháp thực hiện. Huy động cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân chung sức chung lòng, phát huy tinh thần tương thân tương ái để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Tin, ảnh: Hạnh Dung