(ĐN)- Sở TN-MT vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại 5 nhóm chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với mục đích quản lý và công nghệ xử lý.
(ĐN)- Sở TN-MT vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại 5 nhóm chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với mục đích quản lý và công nghệ xử lý.
Đầu tiên là nhóm chất thải có khả năng tái chế: nhựa, giấy, kim loại túi ny-lông sạch... Nhóm chất thải này có thể lưu trữ bán cho người thu mua phế liệu, cơ sở tái chế.
Nhóm chất thải thứ 2 là thực phẩm: thức ăn thừa, rau củ quả bỏ, bã trà, bã cà phê và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ… Loại chất thải này dễ phân hủy, gây mùi nên cần buộc kín trong túi đựng trước khi bàn giao cho đơn vị thu gom. Cũng có thể tự xử lý chất thải thực phẩm bằng cách ủ thành phân hữu cơ, làm thức ăn cho vật nuôi.
Nhóm chất thải thứ 3 là chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác, là các loại chất thải rắn sinh hoạt không có chứa yếu tố độc hại và không thuộc 2 nhóm chất thải trên.
Nhóm chất thải thứ 4 là chất thải nguy hại, bao gồm các loại pin, bóng đèn, thiết bị điện tử, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại… cần được để riêng, đưa về các điểm thu hồi chất thải nguy hại ở các xã, phường để đưa đến cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại.
Nhóm chất thải cuối cùng là chất thải cồng kềnh: cành cây lớn; giường nệm, bàn ghế, các đồ nội thất cũ... Người dân chủ động liên hệ với đơn vị thu gom chất thải tại địa phương để được thu gom, không xả bừa bãi rác ở các khu đất trống gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải phải có xe chuyên dụng hoặc xe có vách ngăn để đảm bảo không trộn lẫn các nhóm chất thải rắn đã phân loại.
Hoàng Lộc