(ĐN)- Tối 23-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung bộ để tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19
(ĐN)- Tối 23-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung bộ để tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Khối nhà nước tỉnh Đồng Nai có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, cũng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo với Thủ tướng về diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp. Bộ trưởng cũng trình bày về các giải pháp mà Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, trong đó có nội dung dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội chuẩn bị ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp đó, các Bộ: Tài chính, Giao thông - vận tải, Công thương, Thông tin và truyền thông cũng đã báo cáo của Thủ tướng về công tác phối hợp triển khai khống chế dịch bệnh Covid-19, nhất là với các tỉnh thành phía Nam. Trong đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã đảm bảo đủ kinh phí cho Bộ Y tế phối hợp với các địa phương mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Còn lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thì cho biết, đang tích cực hướng dẫn các địa phương đảm bảo thông suốt trong vận chuyển hàng hóa, không để ách tắc, nhất là vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Còn lãnh đạo Bộ Công thương thì khẳng định, đang tiếp tục nỗ lực cung ứng hàng hóa qua nhiều kênh phân phối, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong tình hình dịch bệnh, thực hiện giãn cách, nhu cầu mua sắm hóa hàng, nhất là thực phẩm rất cao.
Nhiều lãnh đạo các địa phương như: TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Phú Yên… cũng đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch bệnh tại địa phương, đồng thời kèm theo các kiến nghị, mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ kịp thời. Trong đó, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương, nơi tình hình dịch Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp, số ca dương tinh tăng cao, phát sinh nhiều đối tượng F1, thiếu hụt về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế…
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng báo cáo nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai |
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, tính đến chiều 23-7, Đồng Nai đã có 2.038 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 6 ca tử vong, chủ yếu là những người có bệnh nền. Về năng lực điều trị của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, các khu cách ly F1 của tỉnh hiện có khả năng tiếp nhận khoảng 17 ngàn người, trong khi đó tiếp nhận điều trị cho các trường hợp F0 là 4 ngàn trường hợp.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp nhận quản lý theo dõi các đối tượng F1, còn điều trị các trường hợp F0 do Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chịu trách nhiệm. Đến nay, các điểm cách ly và các bệnh viện còn có thể tiếp nhận các ca F1 và F0 nên Đồng Nai chưa thực hiện các ly các ca F1, F0 tại nhà. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẵn sàng cho các phương án này nếu trường hợp số trường hợp F0 và F1 tăng tiếp tục tăng cao, vượt quá khả năng tiếp nhận.
Đối với tình hình lây nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đến nay toàn tỉnh có 18/31 khu công nghiệp có trường hợp dương tính với Covid-19 nhưng số doanh nghiệp có công nhân bị mắc mắc Covid-19 chưa phải là nhiều. Hiện toàn tỉnh đã có 1.019 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương châm 3 tại chỗ.
Về công tác phòng, chống dịch ở khu dân cư, Đồng Nai đang tiếp tục truy vết đưa các trường hợp F0 và F1 ra khỏi địa bàn khu dân cư, hạn chế dịch bệnh lây lan rộng thêm, đồng thời bảo vệ các vùng xanh (vùng chưa xuất hiện dịch).
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đồng Nai sẽ tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Chỉnh phủ trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại tỉnh Đồng Nai vào sáng 23-7. Những ngày tới, Đồng Nai sẽ siết mạnh công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong quá trình hiện hiện, sẽ cương quyết và sẵn sàng khởi tố hình sự nếu có trường hợp chống đối, cản trở lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tiến hành nhanh tiêm vắc xin cho người dân.
Đường phố Biên Hòa vắng vẻ vào tối 23-7 sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản mới đề nghị siết chặt công tác phòng chống dịch |
Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng 2 vấn đề cụ thể. Thứ nhất, hiện nay Đồng Nai có trên 2 ngàn ca dương tính với Covid-19, trong trường hợp tăng lên 5 ngàn thì tỉnh sẽ xin Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị và vật tư y tế. Thứ hai, đối với máy thở phục vụ điều trị, đến nay Đồng Nai đang tiến hành mua sắm máy thở, nhưng thị trường rất khan hiếm, do đó mong Bộ Y tế hỗ trợ giới thiệu nguồn cung cấp để tỉnh có thể chủ động mua sắm, sẵn sàng cho công tác điều trị.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất bằng được vacicne trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm các nguyên tắc và quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý.
Bộ Y tế ban hành ngay các quy định, hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ việc sản xuất vaccine trong nước, trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của pháp luật, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tham khảo quy định của các nước. Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ tối đa cho các nhà sản xuất đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện để được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, công bằng, minh bạch. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của WHO trong việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các đầu mối chuyển giao công nghệ vaccine, xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, bảo đảm bình đẳng, minh bạch.
Thủ tướng yêu cầu, trong điều kiện hiện nay, trước sự cấp bách, tính khẩn trương của các vấn đề thực tiễn, sự mong mỏi của người dân và yêu cầu phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các bộ ngành khi triển khai các nhiệm vụ trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát và cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng. Bộ Y tế triển khai ngay các hướng dẫn, quy định về mặt chuyên môn để kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa Đông y và Tây y trong điều trị COVID-19.
Tin và ảnh: Công Nghĩa