(ĐN)- Chiều 11-6, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp giữa Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với một số địa phương trong cả nước.
* Nỗ lực hoàn thành tiêm vaccine cho công nhân trong khu công nghiệp trong tháng 8-2021
(ĐN)- Chiều 11-6, Phó thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp giữa Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với một số địa phương trong cả nước. Tại điểm cầu Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo đã đến dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về năng lực xét nghiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, mỗi ngày Đồng Nai có thể xét nghiệm 5 ngàn mẫu đơn hoặc 30 ngàn mẫu gộp. Đồng Nai đang mua sắm thêm máy móc để nâng công suất xét nghiệm lên 50 ngàn mẫu gộp/ngày. Về cách ly, toàn tỉnh hiện có 3.000 giường, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tất cả các huyện, thành phố phải có khu cách ly riêng. Trường hợp đột xuất sẽ tận dụng các trường học, ký túc xá để làm khu cách ly.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện cơ bản được kiểm soát tốt, lực lượng y tế rất tập trung, các tổ Covid cộng đồng hoạt động tốt. Từ khi có dịch đến nay Đồng Nai có 32 ca bệnh, trong đó 30 ca đã được chữa khỏi, xuất viện. Riêng 4 ca lây trong cộng đồng do được kiểm soát tốt nên không tiếp tục lây ra cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai khá lo ngại việc dịch bệnh có thể lan xuống Đồng Nai, đặc biệt là lây lan vào các khu công nghiệp. Ngoài ra, Đồng Nai đã kiến nghị Quân khu 7 tạm dừng cách ly người trên các chuyến bay từ nước ngoài về để tập trung cách ly các trường hợp F1 trên địa bàn tỉnh. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tăng số lượng phân bổ vaccine cho Đồng Nai vì tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lao động rất lớn.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc mặc dù số ca nhiễm mới vẫn còn cao. Bằng việc thiết lập hệ thống thông tin điều hành nên tình hình dịch bệnh được cập nhật liên tục. Ở đợt dịch lần thứ 4, ngoài ổ lây nhiễm phức tạp của Hội truyền giáo ở TP.HCM, điều mà Chính phủ lo ngại nhất là dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp với mức độ lây lan nhanh đã xảy ra.
Sau hơn 1 tháng kể từ đợt dịch lần thứ 4, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đặt ra mục tiêu cố gắng không để dịch bệnh lọt vào khu công nghiệp. Trường hợp nếu có ca bệnh lọt vào khu công nghiệp, cần phải phát hiện nhanh trong vòng 3 ngày. Nếu để quá 3 ngày thì công tác dập dịch cực kỳ vất vả, tốn kém. Phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế hằng ngày, cập nhật sức khỏe của tất cả người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Bất kỳ ai có triệu chứng của bệnh đường hô hấp phải được phát hiện và xử lý ngay lập tức.
Kinh nghiệm từ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, sau khi đã phát hiện ca bệnh cần cách ly ngay, phải khoanh vùng tại chỗ, biến khu trọ của công nhân thành khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, phải thực hiện các biện pháp cách ly, đặc biệt là giãn cách chỗ ở của công nhân, quản lý như với F1.
Các địa phương tham gia buổi họp trực tuyến |
Về xét nghiệm, các địa phương phải chuẩn bị máy móc cần thiết để thực hiện xét nghiệm với công suất lớn, cho kết quả nhanh trong điều kiện cần thiết. Về khoanh vùng, tùy từng điều kiện thực tế, lãnh đạo các địa phương cần quyết sớm việc giãn cách. Đã cách ly y tế, phong tỏa, thì phải thực hiện nghiêm, tránh khoanh vùng rộng, nhưng bên trong quản lý lỏng lẻo. Khoanh vùng gọn nhất có thể để đảm bảo mục tiêu kép. Công tác khoanh vùng cần thực hiện linh hoạt, đảm bảo hiệu quả.
Các tỉnh, thành chưa có dịch cần phải nghiêm túc đảm bảo an toàn phòng dịch trong doanh nghiệp, nơi nào không đảm bảo an toàn dứt khoát yêu cầu tạm ngưng hoạt động đến khi an toàn. Đồng thời, cập nhật lên bản đồ An toàn Covid-19 để cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời khi phát sinh tình huống. Dữ liệu cập nhật trên bản đồ phải nhanh, từ F0 đến F1, F2, F3.
Tiếp tục có phương thức tổ chức lại sản xuất, phân ca, phân kíp sản xuất, khu nhà trọ công nhân. Các doanh nghiệp phải thực sự chủ động, tự giác thực hiện vấn đề này.
Về điều trị, Việt Nam đưa ra kịch bản có 30 ngàn ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, riêng tỉnh Bắc Giang đến nay đã có gần 4 ngàn ca nhiễm. Nếu không phòng chống dịch tốt, nhiều tỉnh, thành có số ca mắc như Bắc Giang thì công tác điều trị sẽ rất khó khăn. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là những nơi có nhiều khu công nghiệp cần chủ động để chuẩn bị thêm các khu cách ly, tính đến trường hợp xấu nhất để không xảy ra trường hợp xấu nhất.
Về vaccine, hiện không có nhà cung cấp nào, kể cả WHO cam kết được lịch giao vaccine. Chính phủ phấn đấu cố gắng đến hết tháng 8 sẽ tiêm hết cơ bản cho công nhân lao động trong khu công nghiệp. Bởi nếu phải dừng hoạt động các khu công nghiệp thì nền kinh tế của cả nước sẽ bị ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng mong muốn tất cả các địa phương, toàn thể người dân cùng nỗ lực để dịch bệnh sớm được kiểm soát, không bung ra các khu công nghiệp như đối với Bắc Giang, Bắc Ninh...
Hạnh Dung