(ĐN) - Ngày 5-5, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Trảng Bom về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021 và mục tiêu đến năm 2025 của huyện trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...
(ĐN) - Ngày 5-5, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Trảng Bom về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021 và mục tiêu đến năm 2025 của huyện trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc. Ảnh: B.Nguyên |
Tính đến nay, huyện Trảng Bom có 6/16 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao đang trình thẩm định, 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ nông thôn mới nâng cao, 6 xã còn lại đã hoàn thành 12-17 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn chậm so với nhiều địa phương khác của tỉnh. Trong năm 2021, Trảng Bom đặt mục tiêu có thêm 4 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời tập trung củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Trảng Bom là địa phương được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh tại một số địa phương trên địa bàn huyện đã tạo sự quá tải cho địa phương về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông và trường học, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo… Ngoài ra, huyện cũng gặp khó trong nhân rộng mô hình xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP, cũng như mô hình xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chưa xứng với tiềm năng; tỷ lệ dân sử dụng công trình cấp nước tập trung nông thôn và đấu nối sử dụng công trình cấp nước tập trung đô thị chỉ đạt 20,8% còn thấp so với chỉ tiêu đề ra…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, từ nay đến năm 2025, Trảng Bom phải phấn đấu 10 xã còn lại đạt nông thôn mới nâng cao và nhiều mục tiêu khác, nên địa phương phải quyết tâm, có sự chỉ đạo rốt ráo để hoàn thành mục tiêu đề ra. Quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương phải bắt đầu từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện phải đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, hệ thống quản lý Nhà nước từ huyện đến cơ sở để tạo sự đồng thuận của người dân.
Trước hết, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền huyện tiếp tục rà soát xây dựng nghị quyết chuyên đề triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025. Các sở ngành cần chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, các tiêu chí như trường học, giao thông, văn hóa, ô nhiễm môi trường, vốn đầu tư, an ninh trật tự, mô hình sản xuất cần được địa phương xác định nhiệm vụ cụ thể để đưa vào triển khai thực hiện sớm và đồng bộ, bài bản.
Bình Nguyên