(ĐN) - Ngày 13-5, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cho hay, các bác sĩ vừa nối thành công bàn tay bị chém gần đứt lìa cho một nữ bệnh nhân.
(ĐN) - Ngày 13-5, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cho biết, các bác sĩ vừa nối thành công bàn tay bị chém gần đứt lìa cho một nữ bệnh nhân.
Bàn tay của bệnh nhân X. đã cử động được sau ca mổ cấp cứu suốt 6 tiếng đồng hồ |
Trước đó, khuya ngày 4-5, bệnh nhân L.T.X., ngụ tại TP.Biên Hòa đã được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cấp cứu cho trong tình trạng sốc do mất máu nhiều, cổ bàn tay trái đứt gần lìa chỉ còn dính ít da khoảng 2cm. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình đã đưa bệnh nhân vào phòng mổ gấp để “cứu sống” bàn tay cho bệnh nhân. Do bàn tay đã đứt lìa nên ca phẫu thuật vi phẫu khá phức tạp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tịnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình – người phẫu thuật chính cho hay, cả ê-kíp phẫu thuật phải tiến hành kết hợp nối xương, nối lại các mạch máu, động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh, gân gấp và gân duỗi cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 6 tiếng. Các bác sĩ phải dùng nhiều loại dụng cụ vi phẫu để phục hồi lại các cấu trúc giải phẫu bị đứt lìa.
Sau ca mổ 4 ngày, bàn tay của bệnh nhân X. dần hồng và ấm, các ngón tay trái đã cử động được, có cảm giác khi được tác động. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, giao tiếp bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Tịnh khuyến cáo, nếu gặp trường hợp đứt lìa hay gần lìa tay hoặc bàn tay, chân hoặc bàn chân do tai nạn hoặc các vật sắt nhọn cắt phải, người nhà cần phải làm sạch vết thương, băng ép cầm máu, bất động phần chi bị đứt hoặc ướp lạnh phần chi đứt lìa. Sau đó, cần chuyển gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt. Nếu phần chi thể được bảo quản đúng và tiến hành phẩu thuật sớm thì tỉ lệ nối thành công sau mổ rất cao.
Bích Nhàn