Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc"
Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có các đồng chí: Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
* Dịch bệnh phức tạp với đa nguồn lây, đa biến chủng
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến 6 giờ ngày 29-5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 3.594 ca ghi nhận trong nước và 211 trường hợp nhập cảnh. Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
25 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27-4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Đợt dịch lần thứ 4 có đặc điểm đa nguồn dịch, chủ yếu từ khu công nghiệp ra cộng đồng, từ cộng đồng lây vào khu công nghiệp; đa chủng lây nhiễm, ngoài 2 chủng siêu lây nhiễm là chủng Ấn Độ và Anh, đã phát hiện một loại chủng mới lai giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh. Mức độ lây lan virus rất nhanh, phát tán trong không khí, số ca mắc tăng rất nhanh theo cấp số nhân trong thời gian rất ngắn, nhiều ca bệnh nặng.
Tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, chủ yếu lây trong khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân do mật độ công nhân đông, sinh hoạt, làm việc trong không gian hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn chung. Mặc dù các địa phương này đã thực hiện nhiều giải pháp phòng dịch quyết liệt nhưng dự báo số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.
2 địa phương tập trung đông người là Hà Nội và TP.HCM hiện ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng nhưng cả 2 địa phương đã và đang triển khai các giải pháp bài bản để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Những ngày qua, Bộ Y tế và các địa phương đã nỗ lực chi viện nhân lực y tế để hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh kiểm soát dịch bệnh.
Về vaccine, Bộ Y tế đang tiếp tục nỗ lực tiếp cận tất cả các nguồn vaccine để tiêm cho người dân, mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu về vaccine trên thế giới rất lớn dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã ký cam kết với các công ty, đơn vị trên thế giới để có trong tay hơn 100 triệu liều vaccine phòng Covid-19, có thể tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để có thể có thêm 40 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ Y tế sẽ ưu tiên vaccine cho người dân ở Bắc Giang, Bắc Ninh trước, sau đó sẽ tiếp tục phân bổ cho các địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai |
Nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh trong các khu công nghiệp rất lớn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần nhanh chóng xây dựng các kịch bản ứng phó, lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Phải quản lý chặt công nhân lao động ngay từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông đến nơi cư trú. Bởi chỉ 1 trường hợp nhiễm bệnh trong khu công nghiệp sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho người lao động trong doanh nghiệp, tối thiểu từ 20% công nhân trở lên. Các chủ doanh nghiệp phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Khi có vaccine, Bộ Y tế sẽ chuyển cho các địa phương, ưu tiên cho công nhân trong khu công nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện tốt công tác giãn cách xã hội, phong tỏa sớm khi có dịch bệnh; củng cố các tổ Covid cộng đồng, trong doanh nghiệp, khu công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* 5K + Vaccine + Công nghệ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, về tổng thể, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cả nước đang được kiểm soát nhưng cục bộ có một số địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đó là: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một phần Thủ đô Hà Nội. Các biến chủng virus lần này lây lan nhanh làm tình hình dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng, từ các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo khiến số ca nhiễm tăng mạnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân một số địa phương, đơn vị khi chưa có dịch bệnh đã lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Một số địa phương không nắm chắc tình hình, không đưa ra được biện pháp xử lý phù hợp từ đầu; một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương trong thời gian tới cần bám sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng hướng, đưa ra nhiều giải pháp khả thi. Cần tổng lực phòng dịch, tập trung thời gian, trí tuệ, công sức với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải huy động tất cả nguồn lực con người, vật chất để chung tay phòng chống dịch; tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt hơn, tích cực hơn trong việc tìm kiếm, mua sắm vaccine, phối hợp nhịp nhàng giữa phòng chống và tấn công, lấy tấn công làm trọng tâm, trong đó có vấn đề vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm: y tế, công an, quân đội; các địa phương có dịch đã ngày đêm vào cuộc quyết liệt; đa số người dân đã ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Đảng, Nhà nước phòng chống dịch hiệu quả.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. |
Sắp tới đây, Thủ tướng đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, tiến tới dập dịch Covid-19, nhất là các địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh. Ngoài ra, cũng cần tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; kết thúc năm học 2020-2021 an toàn.
Tiếp tục tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân tổng lực tấn công thần tốc, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác phòng chống dịch phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể. Lãnh đạo các địa phương phải nắm chắc và dự báo sát tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, là đột phá, phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược thường xuyên, lâu dài, quyết định. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch nhưng cũng không hốt hoảng, sợ sệt, thiếu bình tĩnh, bản lĩnh khi có dịch. Từ đó sáng suốt đưa ra những phương án xử lý phù hợp.
Các địa phương cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong phòng chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phân quyền, phân cấp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát huy những cách làm hay, tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân cùng biết, hiểu, cùng tham gia và thụ hưởng thành quả phòng chống dịch. Mỗi người phải tự bảo vệ mình để bảo vệ cộng đồng và ngược lại. Từ đó tiến tới bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Lấy khó khăn làm động lực để phấn đấu, vươn lên khẳng định ý chí của dân tộc, biến không thành có, biến khó thành dễ, không thể thành có thể. Trong bất kỳ tình huống nào phải đoàn kết, tỉnh táo, chủ động, phát huy trí tuệ tập thể để vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho một số Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương trọng điểm. Đồng thời, đề nghị các địa phương trong quá trình thực hiện có khó khăn gì thì đề xuất ngay với Bộ, ngành liên quan để nhanh chóng tháo gỡ.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine, Thủ tướng đề nghị ngoài việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine để mua, cần phải tích cực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên, giải thích để người dân hiểu và tham gia tiêm chủng với tỷ lệ cao khi có đủ vaccine. Phương châm là phòng chống từ xa, thực hiện nghiêm 5K + VACCINE + CÔNG NGHỆ để truy vết, kiểm soát an toàn Covid-19.
Thủ tướng giao Bộ LĐTB-XH triển khai ngay việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những Bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cảnh, cư trú trái phép. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ người dân, doanh nghiệp để mua vaccine phòng dịch Covid-19. Ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung bảo vệ sức khỏe cho người lao động, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước.
Bộ Y tế có trách nhiệm huy động nguồn lực từ các trường Y dược để tham gia phòng chống dịch bệnh trong tình huống cấp bách. Công tác tuyên truyền phải làm cho người dân hiểu và hưởng ứng, chung tay cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Hạnh Dung