Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán nguồn hàng để điều chỉnh quy mô dự án xây dựng Tổng kho trung chuyển miền Đông

11:03, 02/03/2021

(ĐN)- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã phát biểu nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị về điều chỉnh quy hoạch Tổng kho trung chuyển miền Đông diễn ra vào ngày 2-3.

(ĐN) - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã phát biểu nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị tư vấn và UBND H.Trảng Bom về báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Tổng kho trung chuyển miền Đông diễn ra vào ngày 2-3.

 Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng có văn bản xin ý kiến các địa phương trong khu vực về nguồn hàng trung chuyển để có báo cáo tổng hợp, nhằm tính toán về quy mô xây dựng cũng như phân kỳ đầu tư đối với dự án xây dựng Tổng kho trung chuyển miền Đông. Đối với giai đoạn 1 của dự án cần hạn chế tối đa thực hiện thu hồi đất của người dân. Rà soát các quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt kết nối với tuyến đường sắt Bắc- Nam để đảm bảo nguồn hàng trung chuyển đối với dự án.

Dự án xây dựng tổng kho miền Đông đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 vào năm 2011 với diện tích khoảng 1,4 ngàn ha thuộc phạm vi 4 xã: Giang Điền, Quảng Tiến, Đồi 61 và Tây Hòa của H.Trảng Bom. Tuy nhiên, từ khi quy hoạch chung khu vực được phê duyệt đến nay dù UBND tỉnh và các sở ngành đã tổ chức mời gọi nhiều nhà đầu tư nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án.

Do đó, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, giảm diện tích dự án còn hơn 600 ha thuộc phạm vi 3 xã: Quảng Tiến, Giang Điền và Đồi 61.

Theo phương án điều chỉnh của đơn vị tư vấn, Tổng kho trung chuyển miền Đông được xây dựng với mục tiêu tạo lập khu tổng kho với vai trò là một mắt xích trong kênh hậu cần cung ứng, phân phối phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa trong vùng. Đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đi đến và nội vùng một cách tối ưu, thích hợp nhất với điều kiện giao thông vận tải cũng như điều kiện kinh tế - xã hội vùng hiện tại và tương lai, hỗ trợ sản xuất tại các khu công nghiệp cùng như kinh doanh thương mại nội vùng và liên vùng. Quy mô hàng hóa đường bộ khoảng 175 triệu tấn/năm, đường sắt khoảng 500 triệu tấn năm.

Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều