(ĐN) – Chiều ngày 9-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương về đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
(ĐN) – Chiều ngày 9-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và địa phương về đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc |
Mục tiêu của đề án là phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ, lâm sản đến năm 2025 đạt 2 tỷ USD; đảm bảo 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp; thu hút khoảng 30% doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp; xây dựng được 2 cụm công nghiệp sản xuất chế biến gỗ và trung tâm triển lãm đồ gỗ và các sản phẩm gỗ; sử dụng khoảng 200 ngàn lao động và lao động được đào tạo tại chỗ đạt 70%.
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; kim ngạch xuât khẩu đạt hơn 2,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm; đến năm 2030 sử dụng khoảng 250 ngàn lao động; tiếp tục di dời, thu hút thêm 30% các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp.
Theo báo cáo của Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam bộ (Bộ NN-PTNT), đơn vị tư vấn đề án, toàn tỉnh có 904 doanh nghiệp và 550 cơ sở chế biến lâm sản. Trong đó, có 115 doanh nghiệp phân bố trong các cụm, khu công nghiệp, chiếm 12,7% tổng số doanh nghiệp trong ngành gỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản sử dụng khoảng 110 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, chủ yếu là lao động phổ thông. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có gần 47,9 ngàn ha rừng trồng. Sản lượng khai thác hiện nay chỉ đáp ứng được 17,6% nhu cầu chế biến, còn lại là thu mua ở ngoài tỉnh và nhập khẩu khoảng 200 ngàn m3 gỗ/năm.
Chế biến gỗ có vị trí quan trọng trong công nghiệp của tỉnh với tỷ trọng giá trị sản xuất đạt 5,87%, chiếm tỷ trọng cao nhất so với các nhóm ngành công nghiệp chủ lực khác, hàng năm đóng góp ngân sách chiếm khoảng 16% tổng tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành chế biến gỗ cũng là ngành thu hút nhiều lao động nhất trong nhóm các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, chiếm 38% tổng lao động doanh nghiệp công nghiệp. Thị trường xuất khẩu sản phẩm lâm sản liên tục được mở rộng ra 5 châu lục và trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 1,5 tỷ USD.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung gồm: chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ vào khu, cụm công nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ trong giai đoạn mới; vấn đề môi trường của ngành chế biến gỗ; cần phân loại rõ, chính xác quy mô hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ để sau này di dời, bố trí vào các khu, cụm công nghiệp phù hợp với thực tế sản xuất của cơ sở…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở NN-PTNT, đơn vị tư vấn đề án và các sở ngành, địa phương cần rà soát lại thực tế sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở trong ngành chế biến lâm sản để xây dựng lộ trình, chính sách hỗ trợ di dời các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh vào các khu, cụm công nghiệp cho phù hợp thực tế; cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết việc bố trí vốn, kinh phí cho từng năm. Sau khi đề án được phê duyệt, Sở NN-PTNT cần phối hợp với các sở, ngành để đề án có sự thống nhất trong triển khai thực hiện; phải tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai đề án để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề án.
Bình Nguyên