Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

07:01, 03/01/2021

Ngày 3-1, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021) và Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2020 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Ngày 3-1, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021) và Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2020 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tổng tuyển cử năm 1946 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Thành công của cuộc tổng tuyển cử đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử. Tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Bên cạnh đó là phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công tác kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc của Nhà nước. Sự kiện này còn đảm bảo quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo; đảm bảo vận động bầu cử dân chủ, tìm người có đức, có tài gánh vác việc nước.

Tại lễ kỷ niệm, qua diễn văn khai mạc, phim tài liệu và phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh qua các nhiệm kỳ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.

Theo đó, qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ, trong đó, Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946 - 1960), đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám. Bước vào thời kỳ kháng chiến cứu nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25-4-1976 Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tiến hành trong cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp năm 1980 - hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp 1992 của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và Hiến pháp năm 2013 đánh dấu giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước, thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội với nền tảng nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân và tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)

Tin xem nhiều