(ĐN)- Ngày 11-1, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021.
(ĐN)- Ngày 11-1, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cùng chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai có Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đời sống người dân, ngành LĐ-TBXH đã nỗ lực để sớm đưa chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với những đối tượng bị tác động. Ngành cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra ngay từ đầu năm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TBXH trong năm 2021 cần có những giải pháp cụ thể để đưa hoạt động của ngành lao động vào phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, ngành chủ động, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình hoạt động.
Ngành cần đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người nằm trong nhóm bảo trợ xã hội, hộ nghèo, gia đình chính sách. Chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thực tiễn của đời sống xã hội. Tập trung đề ra các giải pháp thực hiện công tác cai nghiện, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng…
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, năm 2020, gần 2 ngàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo hơn 2,2 triệu người ở các cấp học trung cấp, cao đẳng, sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác. Đồng thời, có hơn 1,3 triệu người được giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 64,5%.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, Bộ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng làm cơ sở tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công. Năm qua, có 1,7 triệu người có công đã được tặng quà Tết của Chủ tịch nước. Ngành cũng đã thực hiện cấp đổi lại gần 11 ngàn Bằng Tổ quốc ghi công. Ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 22 ngàn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội đã tiếp nhận 2,4 ngàn tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho người nghèo, thực hiện mục tiêu “Chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn 2,75%. Thành tích giảm nghèo này được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”…
Trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành lao động tập trung đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chăm lo tết dành cho các đối tượng theo quy định.
Tin, ảnh: Văn Truyên