(ĐN) – Chiều 20-1, Ban điều hành Đề án 404 tỉnh đã tổ chức tổng kết thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 404) của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
(ĐN) – Chiều 20-1, Ban điều hành Đề án 404 tỉnh đã tổ chức tổng kết thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 404) của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các đồng chí: Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cùng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án 404 |
Theo đánh giá của Ban điều hành Đề án 404 tỉnh, qua 6 năm triển khai thực hiện đề án, công tác hỗ trợ, kiện toàn và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại động đồng đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tình đã có 127 nhóm trẻ tư thục được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng. Ban điều hành Đề án 404 tỉnh còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị thành viên Ban điều hành Đề án 404 còn nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham gia triển khai đề án. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định, quyết định liên quan đến vấn đề trường lớp, phát triển giáo dục mầm non. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục, UBND các huyện, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ, trường mầm non cả về số lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhất là nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đối với các địa phương tập trung khu công nghiệp cần làm tốt công tác dự báo, dành quỹ đất, huy động nguồn lực xã hội hóa nhóm trẻ, trường mầm non đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc giám sát hoạt động giáo dục mầm non nói chung, các nhóm lớp độc lập tư thục nói riêng, đảm bảo môi trường an toàn chăm sóc, giáo dục trẻ, không được để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ trong các nhóm, trường.
Ngoài ra, các cấp, các ngành quan tâm tuyên truyền để các gia đình trẻ hiểu được ưu điểm của việc cho trẻ ra lớp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ cho công nhân lao động nói chung và nữ công nhân lao động có con nhỏ nói riêng.
Tin, ảnh: Nga Sơn