(ĐN) - Chiều 31-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị tổng kết đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2020.
(ĐN) - Chiều 31-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị tổng kết đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2020.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trao giấy chứng nhận OCOP cho các đơn vị. |
Theo Đề án “Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035” chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, mục tiêu của giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh có từ 12 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, từ 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có từ 100 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, từ 15 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, từ 8 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Đến nay, 100% địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; trong đó có 9/11 địa phương có 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, đạt 283% mục tiêu đề ra.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, tuy quá trình triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình cơ bản đã thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, có 4 nội dung quan trọng gồm: 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo; thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp huyện.
Đại diện các doanh nghiệp, HTX ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP với siêu thị và doanh nghiệp thương mại trong và ngoài tỉnh. |
Điều này cho thấy, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc phát huy tốt lợi thế, điểm mạnh của địa phương. Công tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn về OCOP được triển khai sâu rộng, góp phần giúp người dân nhận thức đúng về sản xuất hàng hóa và tổ chức dịch vụ. Các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đã được tổ chức xúc tiến kịp thời; nhiều hội nghị kết nối hiệu quả đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị lớn, trung tâm thương mại và các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước với chương trình OCOP. Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng; chú trọng các giải pháp phát triển làng nghề tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị; nâng hạng cho sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu trên thị trường.
Bình Nguyên