Sáng 11-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Sáng 11-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo; là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ hộ nghèo còn dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm nghèo. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 60% thôn có điện... Đó là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng phân tích, những thành quả giảm nghèo của Việt Nam có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương; sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc.
Song, Thủ tướng nêu rõ, những thách thức trước mắt, nhất là đối với một quốc gia chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh như Việt Nam đối với con người vẫn còn rất nặng nề; đồng thời lại là một quốc gia chịu tổn thương lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ…
Nhấn mạnh giảm nghèo trong thời gian tới là công việc "cả trí tuệ và trái tim", Thủ tướng đề nghị, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới. Mỗi xã, phường, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, do đó cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Cấp ủy các cấp phải phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo; cần phát động các phong trào thi đua thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững sáng tạo, thực chất hơn.
Để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo hiệu quả hơn, chính quyền cần hiểu được hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp, từ đó có những biện pháp hỗ trợ. Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân toàn xã hội chung tay vì người nghèo. Đẩy mạnh công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát huy dân chủ và nội lực của người dân…
TTXVN