Ngày 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành để đưa ra các giải pháp giúp kinh tế phục hồi và có bước tăng trưởng cao trong năm 2021,...
Ngày 29-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để đưa ra các giải pháp giúp kinh tế phục hồi và có bước tăng trưởng cao trong năm 2021, đồng thời hoàn thành được các chỉ tiêu về xã hội, quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị |
Các phó thủ tướng, bộ trưởng đều đăng đàn nêu rõ kết quả, hạn chế của từng lĩnh vực trong năm 2020 và đề ra nhiệm vụ cho năm 2021. Từng tỉnh, thành căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ xây dựng kế hoạch phù hợp cho riêng địa phương để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
* Tiếp tục 3 đột phá chiến lược
Dự báo năm 2021, Việt Nam và thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là phòng chống dịch bệnh tốt và triển khai các biện pháp hữu hiệu để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, biến nguy cơ thành cơ hội.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: “Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch tốt và phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục 3 đột phá chiến lược là: Hoàn thiện, nâng cao thể chế kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Chú ý đến phát triển kinh tế số phải đạt 30% GDP”.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng thì hạ tầng giao thông được xem là khá quan trọng để tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của các tỉnh, thành. Nguồn vốn đầu tư các dự án về giao thông chủ yếu từ ngân sách và ODA.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý: “Năm 2020, giải ngân nguồn vốn ODA rất chậm chỉ được 25 ngàn tỷ đồng, còn 35 ngàn tỷ đồng chưa giải ngân được. Giai đoạn 2021-2025, vốn ODA rất hạn hẹp, lãi suất cao. Do đó, các bộ, ngành, tỉnh, thành khi dự tính vay vốn ODA để thực hiện các dự án phải tính toán kỹ và phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới”.
Việt Nam đang là quốc gia vào hội nhập sâu, nhanh và đang là một trong những nước dẫn đầu về ký kết các hiệp định thương mại tự do. Hiện đã có 14 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có 3 hiệp định lớn là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam - EVFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP. Vì thế, thời gian tới có thể xảy ra các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại quốc tế. Do đó, cần cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết từ ban đầu tránh dẫn đến khiếu kiện quốc tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG |
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Tuấn Anh, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA giúp cho 3 tháng cuối năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Năm 2021, dịch bệnh lắng xuống sẽ giúp xuất khẩu tăng cao. Các trung tâm logistics trong nước được kết nối phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế.
* Khởi công sân bay Long Thành
Năm 2021, hạ tầng giao thông vẫn được xác định là lĩnh vực quan trọng nhằm giúp cho kinh tế phát triển, do đó, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn và nhân lực để triển khai nhiều dự án quan trọng. Trong đó, khởi công Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành là dự án quan trọng hàng đầu. Tiếp đến là hàng loạt các đường cao tốc sẽ được khởi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Năm 2021, Việt Nam sẽ khởi công 8 dự án quan trọng, trong đó có Sân bay Long Thành dự tính sẽ khởi công vào đầu năm tới. Tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lưu ý các bộ, ngành phối hợp tốt với các địa phương để hoàn tất hồ sơ đầu tư các đường cao tốc, đường vành đai ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Giao thông kết nối sẽ giúp cho việc thu hút đầu tư vào các tỉnh, thành tốt hơn.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề xuất, các tỉnh, thành nên chú ý đến việc kết nối giao thông giữa các đô thị, khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Hiện cả nước có 862 đô thị chiếm 70% GDP.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động thực hiện tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao để đạt được kết quả cao hơn các năm trước. Cụ thể là đảm bảo GDP tăng 6,5%, lạm phát khoảng 4%. Các địa phương không được mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vận động từng gia đình, từng người dân thông báo ngay khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép.
“Việt Nam phấn đấu để luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng. Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng vì tạo nên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công là lĩnh vực được quan tâm vì đây là nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật. Giải ngân vốn đầu tư công cao, đồng nghĩa với việc nhiều công trình quan trọng được hoàn thành đưa vào khai thác tạo động lực cho kinh tế, xã hội phát triển.
Hương Giang