(ĐN)- Ngày 15-10, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, bệnh nhân N.Đ.T. (40 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) – người 2 lần bị ngưng tim, ngưng thở đã được bệnh viện cứu sống, bình phục tốt.
(ĐN)- Ngày 15-10, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, bệnh nhân N.Đ.T. (40 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) – người 2 lần bị ngưng tim, ngưng thở đã được bệnh viện cứu sống, bình phục tốt. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, bệnh viện cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động.
BS Đoàn Quốc Duy thăm khám cho bệnh nhân |
Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đoàn Quốc Duy cho hay, bệnh nhân bị hen từ nhỏ. Chiều 2-10, xưởng nơi bệnh nhân làm việc tiến hành phun sơn, bệnh nhân thấy khó chịu nên xin về trước. Dọc đường về, bệnh nhân gục bên vệ đường, được người dân phát hiện và đưa vào Phòng khám Đa khoa Long Bình cấp cứu. Sau khi bệnh nhân được cấp cứu, có tim đập trở lại, phòng khám ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở lần thứ 2. Sau 15 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân có tim đập trở lại nhưng vẫn hôn mê.
Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở máy, sử dụng thuốc điều trị hen. Đồng thời, sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoài cơ thể để cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được mặc một bộ đồ hạ thân nhiệt có các mạch lưu thông nhỏ, bên trong có các loại dịch, được gắn vào máy hạ thân nhiệt chỉ huy để hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống 33 độ C, duy trì nhiệt độ này trong 24 giờ, rồi tiếp tục nâng dần 0,25 độ C mỗi giờ đến khi cơ thể bệnh nhân đạt 37 độ C.
Song song với đó, bệnh nhân vẫn được thở máy, sử dụng thuốc an thần để giãn cơ. Vài ngày sau, khi bệnh nhân tỉnh táo, các bác sĩ ngưng sử dụng máy hạ thân nhiệt, rút ống nội khí quản, ngưng thuốc an thần và tiếp tục chăm sóc tích cực cho bệnh nhân. Đến nay, sau 13 ngày được cấp cứu, chăm sóc, bệnh nhân tỉnh táo gần như hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ăn cháo, uống sữa.
Theo BS Duy, nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, não bệnh nhân thiếu oxy sẽ bị tổn thương dẫn đến tử vong, hoặc phải sống đời sống thực vật nếu được đưa vào bệnh viện cấp cứu trễ. Do đó, bên cạnh việc mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị, đòi hỏi cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cơ sở cấp cứu ban đầu, chuyển viện an toàn và công tác hồi sức cấp cứu tại cơ sở tiếp nhận.
Tin và ảnh: Hạnh Dung