(ĐN)- Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020...
(ĐN)- Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong năm nay. Là nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng hơn 1,8%. Đây là mức tăng thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng vẫn nằm trong tốp đầu của thế giới.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ngân hàng Thế giới vẫn đánh giá cao và dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế 2,8% trong năm nay. Dù vậy, Việt Nam chưa thể mở cửa với các nước vì nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước, thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Nhận định 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động quý II diễn biến phức tạp với tỷ lệ thất nghiệp là hơn 2,5%. Tuy nhiên, con số này có thể còn tăng mạnh vào quý III do thiếu nguyên phụ liệu, hàng hóa tồn đọng, dẫn đến lao động mất việc quy mô lớn. Về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã có gần 16 triệu người được hỗ trợ với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các địa phương bày tỏ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa phòng chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội. Các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp phát triển như: đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất; tham gia các chương trình kích cầu; tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19; kiến nghị Chính phủ bố trí vốn cho các dự án hạ tầng…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc phòng chống Covid-19 và duy trì sản xuất, phục hồi nền kinh tế trong thời gian qua. Trong thời gian tới, cả nước cần tiếp tục tinh thần “vừa phòng thủ Covid-19, vừa tiến công trên mặt trận kinh tế”. Trong đó, các cấp, các ngành không được lơ là trong việc phòng chống dịch. Về phát triển kinh tế, giải pháp ưu tiên là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các bộ, ngành cần thực hiện các chính sách kích cầu để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Các chính sách tài khóa phải linh hoạt, chủ động, ổn định lạm phát ở mức dưới 4%.
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành cần chú trọng các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đời sống của người dân. Đối với các địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công cần được chú trọng, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng. Các bộ ngành, địa phương phải tận dụng các hiệp định EVFTA, CPTPP để khai thác các thị trường tiềm năng, tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu
Tin: Đắc Nhân - Ảnh: Ngọc Thành