Thời gian gần đây, người dân nhiều nơi liên tục phản ảnh về việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong các tháng 5 và 6 mặc dù đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá 10% đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (từ 1 đến dưới 300 kWh/tháng).
(ĐN) - Thời gian gần đây, người dân nhiều nơi liên tục phản ảnh về việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong các tháng 5 và 6 mặc dù đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá 10% đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (từ 1 đến dưới 300 kWh/tháng).
Khách hàng và nhân viên ngành điện kiểm tra công tơ |
Gia đình anh Nguyễn Văn Long (ngụ KP.Long Đức 1, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) có 4 thành viên, 2 con nhỏ đi học 1 buổi/ngày, 2 vợ chồng đi làm công nhân từ sáng đến tối. Kỳ điện tháng 4 (chưa được tính giảm giá 10%) gia đình anh phải trả số tiền 900 ngàn đồng; kỳ điện tháng 5, tiền điện của gia đình tăng 1,2 triệu đồng (do thực hiện giãn cách xã hội các con nghỉ học ở nhà sử dụng thiết bị điện nhiều); kỳ điện tháng 6, dù các con đã đi học, thiết bị điện sử dụng thường xuyên cũng giảm nhưng hóa đơn tiền điện của gia đình anh Long vẫn tăng lên mức 1,28 triệu đồng.
Đây là số tiền “kỷ lục” gia đình anh phải trả. “Kỳ điện tháng 6 tôi nghĩ sẽ giảm được chút ít vì được áp dụng giảm giá 10%, các con cũng đã đi học trở lại, nhưng không ngờ hóa đơn vẫn tăng gần 80 ngàn đồng” - anh Long nói.
Không chỉ gia đình anh Long, trên các phương tiện truyền thông, nhiều hộ gia đình phản ảnh, thậm chí tỏ ra bức xúc vì tiền điện tăng vọt trong 2 tháng qua mặc dù được giảm giá. Khách hàng của ngành điện kiến nghị cần có phương án cải tiến cơ cấu thang bậc, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hoặc nới khoảng cách giữa các bậc cho phù hợp với thực tế phát triển. Cụ thể, nâng bậc 1 từ 0-150kWh, bậc 2 từ 151-300kWh, bậc 3 từ 301-500kWh, bậc 4 từ 501-700kWh, bậc 5 từ 701kWh. So với biểu giá cũ, bậc 4 từ mức 300kWh tăng lên 700kWh và bỏ bậc 6 như vậy sẽ có lợi hơn cho người dân.
Trước những bức xúc của người dân, EVN cho rằng, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng.
Số liệu thống kê của EVN cho thấy, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.
EVN dự báo, kỳ hóa đơn tháng 6 còn tăng cao hơn do liên tiếp các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5. Thống kê đến ngày 20-6, có hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,8% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5-2020 (gấp 2,3 lần so với tháng 5-2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 ngàn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5.
Theo Điện lực Đồng Nai, tháng 5-2020, sản lượng điện thương phẩm đạt gần 1,04 tỷ kWh, doanh thu tiền điện hơn 1,71 ngàn tỷ đồng; giảm so với tháng 4, sản lượng 1,11 tỷ kWh, doanh thu 1,91 ngàn tỷ đồng.
Ban Mai