(ĐN)- Bệnh nhi N.T.K.A. (6 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) vừa được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám, siêu âm, chọc hút 500ml mủ từ ổ áp xe gan.
(ĐN)- Bệnh nhi N.T.K.A. (6 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) vừa được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám, siêu âm, chọc hút 500ml mủ từ ổ áp xe gan.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau khi đã chọc hút mủ |
Theo đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau bụng nhiều ngày trước đó. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp phim, các bác sĩ phát hiện trong gan phải của bệnh nhi có một khối áp xe to bằng quả cam, là khối áp xe khá lớn so với tuổi của bệnh nhi.
Các bác sĩ đã tiến hành chọc hút ổ áp xe cho bệnh nhân, mỗi lần chọc hút khoảng 180ml mủ trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày. Sau khi được hút mủ trong ổ áp xe, đến nay bệnh nhi đã hết sốt, sức khỏe ổn định, có thể ăn uống, đi lại bình thường.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, áp xe gan là bệnh khó phát hiện. Nguyên nhân gây ra áp xe gan thường do ký sinh trùng amip, vi trùng hoặc sán gây nên, thường gặp ở người trưởng thành. Áp xe gan ở người lớn có thể điều trị nội khoa, còn ở trẻ em bắt buộc phải chọc hút. Thao tác chọc hút cũng cần độ chính xác và tỉ mỉ cao để không chọc vào mạch máu và nhu mô gan của người bệnh.
Để hạn chế mắc bệnh, phụ huynh nên cho trẻ ăn chín uống sôi, nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt cao, đau bụng nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám, điều trị kịp thời, tránh tình trạng ổ áp xe bị vỡ, gây viêm phúc mạc ổ bụng, tràn mủ màng phổi, thậm chí gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của trẻ.
Tin và ảnh: Hạnh Dung