(ĐN) - Do thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài hơn 7 tháng qua khiến hàng chục ngàn ha rừng trồng tại H.Xuân Lộc rơi vào cảnh khô héo trầm trọng. Tại 6 phân trường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, đến nay đã có hơn 50ha cây keo lai và khoảng 10 ngàn cây gỗ lớn bị chết khô hoàn toàn.
(ĐN) - Do thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài hơn 7 tháng qua khiến hàng chục ngàn ha rừng trồng tại H.Xuân Lộc rơi vào cảnh khô héo trầm trọng. Ghi nhận tại 6 phân trường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, đến nay đã có hơn 50ha cây keo lai và khoảng 10 ngàn cây gỗ lớn bị chết khô hoàn toàn. Vấn đề này đã được báo Đồng Nai phản ánh trong bài “Nắng hạn khến hàng chục ngàn ha rừng trồng khô héo” (đăng trong số báo ngày 19-5).
Liên quan đến vấn đề trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo: Đồng Nai hiện chủ yếu trồng cây keo, chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn gỗ cho ngành chế biến gỗ của tỉnh. Theo đó, vấn đề phát triển rừng bền vững của tỉnh cần được rà soát lại các quy hoạch rừng của tỉnh, loại nào không được khai thác, loại nào sản xuất để được khai thác. Từ đó quy hoạch lại rừng trồng, trồng loại cây gì, gỗ gì, cách quản lý như thế nào, khai thác ra sao để đảm bảo tính bền vững trong phát triển rừng cũng như đảm bảo về môi trường.
Ngành lâm nghiệp cần nghiên cứu, đưa ra những đề án phát triển rừng trồng có tính lâu dài, ưu tiên cho cây tán rộng, cây gỗ lớn chứ không chỉ tập trung phát triển trồng cây keo như hiện nay. Ngay tuần sau, ngành lâm nghiệp phải tổ chức đoàn kiểm tra, trên cơ sở đó đề ra giải pháp xử lý rốt ráo những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn với mục tiêu chính là phát triển rừng bền vững rồi mới đến mục tiêu tiếp theo là hiệu quả kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân gắn với đất rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, căn cứ trên các tiêu chí về quy hoạch rừng, hầu hết các vùng vành đai rừng trên địa bàn tỉnh đều thuộc đối tượng rừng sản xuất. Đối với rừng sản xuất, tính về hiệu quả kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn là cây keo được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Thời gian qua, Đồng Nai đã thí điểm một số mô hình trồng xen cây gỗ lớn vào rừng keo lai với sản lượng đạt khoảng 200 m3/ha; giá trị tăng gấp 4 lần so với rừng trồng cây keo. Trung bình mỗi năm, Đồng Nai cung cấp từ 150 – 300 ngàn m3 gỗ, đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu sử dụng gỗ của Đồng Nai trong chế biến.
Ngành lâm nghiệp của tỉnh cũng đề xuất, thời gian tới, tỉnh nên phát triển rừng trồng gắn với mô hình du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng để khai thác hiệu quả tiềm năng về rừng của Đồng Nai với cảnh quan rừng đẹp, đa đạng về sinh học….
Lê Quyên